Đằng sau bài viết trên tờ The New York Times của Tổng thống Nga Putin về Syria là cả một câu chuyện lớn giờ mới được hé lộ.


{keywords}

"Bức tâm thư" của Tổng thống Putin đăng trên tờ The New York Times hôm qua (12/9) chính là "tác phẩm" của Ketchum. Chính công ty quan hệ công chúng này - đã quảng bá hình ảnh cho chính phủ Nga từ rất lâu - đã chuyển bài viết của ông Putin cho The New York Times, một phát ngôn viên của công ty này xác nhận. Người này đồng thời cho biết, chính Tổng thống Nga đã viết bài.

"Bài viết là của Tổng thống Putin và Ketchum chỉ đại diện cho ông để gửi cho The New York Times", Jackie Burton, phó chủ tịch phụ trách quan hệ đối ngoại của Ketchum cho biết. Một phát ngôn viên của báo The New York Times cũng xác nhận sự liên quan của Ketchum.

Ketchum, từ năm 1996 là một bộ phận của tập đoàn quảng cáo và tiếp thị toàn cầu Omnicom, có lịch sử làm việc lâu đời với chính phủ Nga để đưa các bài viết lên các ấn phẩm của Mỹ.

Dùng các tài liệu của Bộ Tư pháp, công ty phi lợi nhuận ProPublica hồi tháng 11 năm ngoái đã nêu chi tiết việc Ketchum giúp đăng các bài viết ca ngợi nước Nga của những chuyên gia dường như là độc lập trên mục op-ed của hàng loạt hãng tin Mỹ, trong đó có CNBC và Huffington Post.

Việc một công ty quan hệ công chúng làm việc với một chính phủ không phải là bất thường. Tuy nhiên, Ketchum đã từ lâu là tâm điểm gây tranh luận khi nó không chỉ làm việc với Nga mà còn cả với chính phủ Mỹ.

Ketchum dính líu tới những vụ việc gây tranh cãi lớn vào năm 2004 và 2005. Trong cả hai trường hợp, Văn phòng kiểm toán chính phủ Mỹ cho rằng Ketchum có liên quan tới tuyên truyền ngầm cho chính phủ Mỹ.

Năm 2004, Ketchum đã tung ra gói thông tin mô tả các diễn viên đóng giả nhà báo ca ngợi những thay đổi về chăm sóc y tế theo một chương trình phúc lợi dưới thời Bush mà không nói chính phủ chính là nguồn cung cấp tin. Năm 2005, Ketchum lại một lần nữa tung ra các gói tin về đạo luật không đứa trẻ nào bị bỏ rơi.

Pro Publica cũng cho biết, trong năm 2010 Ketchum đã nhận được hợp đồng từ chính quyền của Tổng thống Obama để quảng bá cho việc xúc tiến bệnh án điện tử. Cũng theo Pro Publica, Ketchum cũng ký hợp đồng với chính phủ Nga, trong đó có một kế hoạch quảng bá Nga là nơi tuyệt vời cho đầu tư nước ngoài.

Từ năm 2006 tới 2012, Ketchum được trả gần 23 triệu USD vào tài khoản ở Nga và trong 6 tháng đầu năm 2013, Ketchum được trả 1,9 triệu USD.

  • Hoài Linh (Theo BI, ProPublica)