Thỏa thuận giải giáp kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria đã đạt được. Tuy nhiên, phía Washington vẫn còn những câu hỏi đầy ngờ vực: liệu đây có phải là nước cờ về ngoại giao khôn ngoan của Washington? Moscow và Damascus có đáng tin? Và liệu quốc gia đang bị chia rẽ vì nội chiến, và phần còn lại của cả khu vực sẽ đi về đâu sau thỏa thuận này?

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay tại Hội nghị G-20.

Dưới đây là các kiến giải từ tờ Global Post.

Với Mỹ, thỏa thuận này có hời?

Mặc dù việc Tổng thống Obama 'hoãn binh' và yêu cầu Quốc hội ra quyết định về hành động vũ lực với Syria đặc biệt khiến Mỹ mất mặt cũng như uy tín trong tư cách của một cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng mặt khác, điều này lại lợi nhiều hơn hại.

Đầu tiên, thỏa thuận này đã buộc Tổng thống Syria Assad lần đầu tiên thừa nhận việc sở hữu vũ khí hóa học, và sẽ chuyển giao lại cho Liên Hợp Quốc, ký vào Hiệp ước Cấm vũ khí hóa học. Đó là bước tiến rất lớn chỉ trong vòng một tuần lễ.

Thứ hai, Mỹ cho rằng thỏa thuận về vũ khí hóa học sẽ làm ông Assad suy yếu hơn, và thậm chí là bị mất mặt khi giao nộp kho vũ khí đối trọng với Israel và các lực lượng đối lập bên trong và ngoài nước.

Thứ ba, trong tuần qua, Tổng thống Putin nổi lên như một nhà ngoại giao tài ba với bước đi ngoạn mục. Nhưng với thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học này, Nga đang lãnh vai trò 'tước vũ khí' người đồng minh của mình ở Trung Đông. Và Mỹ có mọi quyền để gây sức ép lên người đồng hành Moscow để buộc Assad phải tuân thủ hiệp ước theo khung thời gian của Washington.

Thứ tư, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề từ bỏ quyền sử dụng vũ lực trong tương lai nếu như ông Assad không tuân thủ thỏa thuận.

Nếu ông Putin và Assad không giữ lời?

Mỹ chưa bao giờ tin tưởng Nga, càng không tin Assad. Kể từ khi Nga và Mỹ công bố đạt được thỏa thuận giải giáp vũ khí hóa học của Syria, Tổng thống Assad chưa đưa ra lời tuyên bố thuyết phục và rõ ràng nào cho thấy ông sẽ tôn trọng thỏa thuận này.

Tuy nhiên, phép thử đầu tiên mà ông Assad phải đối mặt chính là khi Syria phải đáp ứng mục tiêu đầu tiên trong thỏa thuận - cung cấp đầy đủ bản kê khai các kho vũ khí hóa học cho Liên Hợp Quốc vào tuần sau.

Trong thỏa thuận này, Mỹ vẫn cảnh báo bảo lưu quyền sử dụng vũ lực nếu như Syria không tôn trọng những gì đã ký kết. Khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết vào tuần này hoặc tuần sau để hệ thống hóa thỏa thuận Geneva, họ cũng sẽ làm như vậy theo Chương VII của Hiến chương LHQ.

Ông Kerry kiên quyết rằng phải bảo lưu khả năng này để buộc mọi quốc gia thành viên LHQ tuân thủ các quy định. Còn ông Putin và Ngoại trưởng Lavrov thì nói rằng quyền sử dụng vũ lực để buộc thực thi thỏa thuận nằm ngoài thỏa thuận ở Geneva và nghị quyết LHQ.

Cũng chính vì điều này mà ông Obama vẫn tiếp tục đòi hành động quân sự nếu cần thiết. Như vậy, ông Obama vẫn còn một phép thử rất khó khăn nữa trong thỏa thuận Geneva - liệu Tổng thống Mỹ có thể thuyết phục thành công rằng Washington sẽ cứng rắn hơn nếu như Assad thất hứa?

Mỹ cần làm gì lúc này để ngăn vấn đề ở Syria lan ra thành một cuộc chiến khu vực?

Cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học ở Syria là một vấn đề quan trọng, nhưng với những người dân thường Syria thì cuộc nội chiến hiện nay còn đáng lo ngại hơn.

Nicolas Burns, giáo sư về Ngoại giao và chính trị Quốc tế tại Đại học Havard cho rằng, Tổng thống Obama có cơ hội hiếm có để củng cố lại vị thế lãnh đạo của Mỹ tại Trung Đông. Ông Obama nên cân nhắc tới hai nhiệm vụ quan trọng vào mùa thu này.

Trước tiên là Mỹ cần đi đầu trong chiến dịch quốc tế năng nổ để giúp hơn triệu người dân Syria mất nhà cửa và đang tị nạn trong và ngoài nước.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay đang xảy ra tại Syria là một trong những thảm kịch nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Nếu các cường quốc không chú tâm tới vấn đề này thì hàng triệu người nữa sẽ trở thành nạn nhân.

Việc thứ hai là Mỹ cần làm việc với Nga, các quốc gia Ả Rập, chính quyền cũng như quân nổi dậy Syria về giải pháp lâu dài - đó là một lệnh ngừng bắn và rồi sau đó tiến tới dàn xếp chính trị để kết thúc chiến tranh hoàn toàn.

Nếu Mỹ không dính líu gì tới việc thay đổi chế độ ở Trung Đông, và Tổng thống Obama có cái nhìn kiên quyết về điểm này, thì Washinton buộc phải làm việc với chính quyền Assad cũng như các nhóm nổi dậy chính để bảo vệ cho người tị nạn và đạt được thỏa thuận chấm dứt nội chiến.

Mỹ không theo đuổi một vai trò lãnh đạo nhất quán tại cuộc xung đột ở Syria kể từ khi nội chiến bùng phát hai năm rưỡi trước. Nên ông Burns cho rằng Washington chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài phương án trên.

Thành công hay thất bại của thỏa thuận về vũ khí hóa học có thể còn xoay quanh khả năng của Mỹ khi làm việc hiệu quả với phía Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Ả Rập, chính quyền và quân nổi dậy Syria để kết thúc giao tranh trước khi xung đột lan ra toàn khu vực.

Lê Thu (theo GP)