Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại sau Nhật Bản cho triển khai lắp đặt các vũ khí tối tân trong hai ngày liên tiếp.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Hệ thống ra-đa cảnh báo sớm X-Band có thể được lắp cố định trên đất liền, hoặc di động trên biển. |
Bắc Kinh cho rằng Tokyo và Washington đang tạo ra căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Theo truyền thông Nhật, Tokyo đã quyết định triển khai các máy bay do thám không người lái của Mỹ trong năm tài khóa 2015 nhằm tăng cường khả năng giám sát và đối phó với tranh cãi chủ quyền trên biển.
Hiện nay, Tokyo và Bắc Kinh vẫn trong tình trạng bế tắc vì tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch xây dựng các cơ sở giám sát mới trên đảo Iwo Jima, cách Tokyo 1.200km về phía nam, để thu thập thông tin về các hoạt động tàu thuyền của Trung Quốc trên biển Thái Bình Dương.
Cùng lúc, một kế hoạch khác cũng được đề cập tới là việc lắp đặt hệ thống ra-đa tối tân còn được gọi là X-band ở Tokyo với danh nghĩa là nhằm phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật, Thị trưởng Tokyo Keiji Yamada tuần trước đã ủng hộ việc lắp đặt ra-đa X-ban tại căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật bản trên không (ASDF) Kyogamisaki tại thành phố Kyotango.
Một hệ thống tương tự như vậy đã lắp đặt tại căn cứ Shariki ở phía bắc Nhật Bản.
Phát biểu về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng: "Một số quốc gia đang tìm cách lấy cớ cho việc thúc đẩy mở rộng vai trò quân sự của mình bằng cách gây nên căng thẳng và tạo ra các mối đe dọa", và các hoạt động trên biển bình thường của Trung Quốc 'là phù hợp với luật quốc tế và không gây nên mối đe dọa cho bất kỳ quốc gia nào khác'.
Ông Hồng Lỗi nói rằng Trung Quốc tin là việc triển khai đơn phương một hệ thống phòng thủ tên lửa hoặc tạo dựng nên một liên minh là không có lợi cho việc giải quyết vấn đề không phổ biến vũ khí trong khu vực, hay hòa bình và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một nhà phân tích cho biết việc triển khai hệ thống ra-đa X-band của Mỹ tại Nhật sẽ giúp mở rộng quy mô và tính chính xác trong hoạt động do thám và sẽ lần theo mọi tên lửa đạn đạo được phóng đi từ nhiều hướng khác nhau.
Nhà phân tích này cũng nói rằng dựa trên số lượng, tầm bắn và chất lượng của các tên lửa đạn đạo Triều Tiên, khó có thể nào hệ thống ra-đa này chỉ nhằm vào Bình Nhưỡng. "Mục đích của việc triển khai các ra-đa chống tên lửa ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tương tự với việc triển khai các tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis ở Tây Thái Bình Dương và một hệ thống đánh chặn tên lửa trên đất liền ở Alaska... Tất cả đều nhằm vào Trung Quốc và Nga" - nhà phân tích này nói.
Ông Wu Huaizhong, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Học viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng "Việc triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Nhật Bản theo hướng tiến về phía nam, dần dần thiết lập nên cái gọi là vũ khí phòng thủ chiến lược ở ngay cửa ngõ Trung Quốc".
X-band là một trong những hệ thống ra-đa cảnh báo sớm tối tân trên thế giới, có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo ngay sau khi rời bệ phóng 10 giây. Sau đó, các tên lửa thuộc hệ thống đánh chặn khai hỏa sẽ dựa trên dữ liệu đường bay của tên lửa đối phương để tiêu diệt ngay tên lửa này khi nó vẫn còn đang trên đất của kẻ thù.
Như vậy, với sự kết hợp của 'lá chắn tên lửa' X-Band 2 ở miền Nam Nhật Bản và X-Band 3 đặt ở khu vực Đông Nam Á, X-Band 1 ở miền bắc Nhật Bản, Mỹ và đồng minh tại châu Á đang tạo ra một vòng cung phòng thủ cho phép phát hiện, cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo phóng từ Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc.
Lê Thu (theo Kyodo/Sina/Diplomat)