Các nhà lãnh đạo thế giới cảnh báo, nếu Mỹ không ngăn chặn việc vỡ nợ, kinh tế toàn cầu sẽ nguy hiểm khi chỉ mới hồi phục sau khủng hoảng kinh tế năm 2008.


{keywords}

Chứng kiến cuộc khủng hoảng ngân sách của Mỹ dần bộc lộ, các tổng thống, nhà lập pháp, những người gửi tiền tiết kiệm bình thường trên toàn cầu đều có chung một nỗi lo: một vụ vỡ nợ lộn xộn của quốc gia này sẽ khiến kinh tế thế giới bổ nhào như cú chấn động vừa qua, vốn xuất phát từ cuộc khủng hoảng năm 2008.

Tại châu Âu, việc Mỹ vỡ nợ sẽ phá hoại sự hồi phục kinh tế mới của lục địa vừa trải qua nhiều năm khổ hạnh này, các chủ ngân hàng địa phương cho hay.

Tại châu Á, Mỹ vỡ nợ sẽ làm hàng chục tỷ đôla trái phiếu Ngân khố Mỹ mà Nhật và Trung Quốc đang nắm giữ mất giá trị, làm thương mại thế giới sụp đổ, các nhà phân tích dự đoán.

Ở Mexico, nơi mà 78% số hàng xuất khẩu của nước này được đưa sang Mỹ, sự hỗn loạn về kinh tế ở phía bắc biên giới sẽ là đòn chí tử với triển vọng về thịnh vượng lớn hơn trong thời gian tới của nước này, các doanh nhân cảnh báo.

Mỹ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới mọi nơi mọi chốn nếu Quốc hội nước này không phê chuẩn việc tăng trần nợ để trả lãi. "Nó sẽ ảnh hưởng tới toàn thế giới, không chỉ ở những nước có tương tác kinh tế với Mỹ", Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto cản báo tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Indonesia hồi đầu tuần này.

"Đó là trách nhiệm của Mỹ", thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nói, kêu gọi Washington có những hành động cần thiết trước khi tới hạn chót.

Chính phủ Mỹ sẽ chạm trần nợ 16,7 nghìn tỷ USD vào ngày 17/10 và đó là viễn cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới này cạn sạch tiền dự kiến sẽ là tin trang nhất trên khắp thế giới.

Trần nợ của Mỹ đã tồn tại gần một thế kỷ, có thể mô tả đó là số tiền tối đa mà Mỹ có thể vay một cách hợp pháp. Mỹ ban hành luật về giới hạn nợ từ năm 1917 và kể từ đó nó quy định số nợ quốc gia mà Bộ Tài chính có thể nêu ra.

Tới ngày 25/9, Bộ Tài chính cho biết, nợ của chính phủ liên bang là 16.699.396.000.000, còn thiếu 25 tỷ là chạm mức trần 16.699.421.095.673,60. Khi Mỹ đạt tới giới hạn nợ này, Mỹ phải thực hiện một số biện pháp đặc biệt để có thêm thời gian trước khi Quốc hội đồng ý nâng trần nợ. Trong toàn bộ lịch sử của Mỹ, nước này chưa bao giờ tới mức vợ nợ và ngân khố không thể trả nợ.

  • Hoài Linh (Theo Rian, CSM)