Tạp chí Der Spiegel đưa tin, các quan chức Mỹ và Đức gặp gỡ tại Nhà Trắng vừa đạt được một hiệp ước song phương cam kết hai nước không do thám lẫn nhau.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Thông tin trên được đưa ra sau khi tranh cãi kịch liệt bùng nổ xuất phát từ những tiết lộ của cựu nhân viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden rằng Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel trong các hoạt động do thám bí mật.

Báo Đức Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung dẫn lời các nguồn tin thân cận với chính phủ Đức cho biết hiệp ước sẽ được ký kết vào đầu năm tới.

Đoàn đại biểu của Đức, gồm cố vấn đối ngoại của Thủ tướng, đã gặp phái đoàn Mỹ tại Nhà Trắng ngày 30/10. Trong ngày 4/11, Giám đốc Cơ quan tình báo Đức Gerhard Schindler cùng Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Hiến pháp Hans-Georg Maassen sẽ gặp lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ ở Washington.

Der Spiegel cho biết, trong cuộc gặp giới hạn có sự tham gia của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein và nghị sĩ Quốc hội châu Âu Elmar Brok, Giám đốc NSA Keith Alexander đã thừa nhận cơ quan này từng nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel.

Theo những tiết lộ từ Snowden, Mỹ đã do thám hơn 70 triệu hồ sơ điện thoại ở Pháp, 60 triệu hồ sơ điện thoại ở Tây Ban Nha và 46 triệu cuộc gọi ở Italia chỉ trong vòng 1 tháng.

Các nhà chức trách Mỹ quả quyết rằng dữ liệu đã được cung cấp cho NSA theo các thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với các quốc gia châu Âu.

Các hoạt động gián điệp của Mỹ đang khiến nhiều người ở bên kia Đại Tây Dương tức giận và đẩy quan hệ giữa nước này với các đồng minh châu Âu vào trạng thái căng thẳng.

Phản ứng trước các hoạt động do thám Mỹ, cuối tuần trước Đức và Brazil đã soạn ra một dự luật và trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, kêu gọi chấm dứt các hoạt động do thám điện tử quá mức.
Dự thảo nghị quyết - không nêu đích danh nước nào - sẽ được đưa ra thảo luận tại một ủy ban của Đại hội đồng về nhân quyền. Văn bản kêu gọi Đại hội đồng gồm 193 thành viên tuyên bố rằng họ "quan ngại sâu sắc về những lạm dụng và vi phạm nhân quyền mà có thể nảy sinh từ việc tiến hành bất kỳ hoạt động do thám liên lạc nào".

Nghị quyết sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào cuối tháng này, kêu gọi tất cả các nước hãy bảo vệ quyền riêng tư vốn được luật pháp quốc tế đảm bảo.

Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không mang tính ràng buộc nhưng chúng có thể có những ảnh hưởng lớn về chính trị và đạo đức nếu giành được đủ sự ủng hộ.

Trong khi đó báo Guardian của Anh đưa tin, các cơ quan tình báo ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển đang tiến hành do thám rộng khắp nhằm vào lưu thông điện thoại và Internet với sự cộng tác của Anh. Báo này cho biết, tiết lộ trên là từ những tài liệu mới nhất mà Snowden rò rỉ. Theo đó, Trung tâm do thám điện tử GCHQ của Anh - vốn có quan hệ thân thiết với NSA của Mỹ - giữ vai trò dẫn đầu trong việc giúp các nước khác "qua mặt" các điều luật hạn chế do thám.

Hôm 1/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, trong một số trường hợp, do thám của Mỹ đã đi quá xa. Ông cho biết sẽ làm việc với Tổng thống Barack Obama để ngăn chặn những hành động không thích hợp thêm nữa của NSA.

Thanh Hảo (Tổng hợp)