Một người may mắn thoát chết sau cơn bão kinh hoàng ở miền trung
Philippines viết duy nhất từ "Còn sống" lên một mảnh giấy và đưa nó cho một
phóng viên cùng với danh tính của anh.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Bức ảnh về mảnh giấy đó cùng nhiều mẩu tin nhắn khác được đưa cho các phóng viên để họ đăng lên trên web GMA News và lưu truyền trên các trang mạng xã hội.
Một phụ nữ trẻ khác cầm trên tay món đồ chơi trẻ em và đang tìm kiếm hai con nhỏ mất tích sau bão đã được phóng viên chụp ảnh và đăng lên Twitter.
Các phóng viên có mặt ở Tacloban - nơi bị siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất - đã chứng kiến giữa cảnh hoang tàn, người dân không có một phương tiện liên lạc nào với thế giới và tuyệt vọng tìm kiếm người thân. Họ tới tấp gửi cho nhà báo thông tin về bản thân, xin được chuyển tin nhắn tớit hân nhân của mình.
Với lo sợ khoảng 10.000 người có thể đã thiệt mạng chỉ riêng ở Tacloban khi bão Haiyan quét qua miền trung Philippines, những người sống sót đang chật vật tìm cách nhắn cho người thân về tình trạng của mình.
Một trong những phóng viên đầu tiên lên sóng truyền hình sau bão là Jiggy
Manicad của GMA News. Anh đã đi bộ 6 giờ đồng hồ tới điểm vệ tinh gần nhất ở
Palo Leyte để đưa tin trực tiếp về cảnh hủy diệt. Và khi Manicad thực hiện bản
tin, máy quay quét qua nhiều khuôn mặt phờ phạc thất thần của những người đứng
quanh anh.
"Tôi yêu cầu mọi người nói trực tiếp vào máy quay. Họ cho biết mình là ai và người thân của mình là ai, và họ muốn liên lạc với nhau như thế nào", Manicad kể lại sau khi trở về Manila. Trong hành trình dài quay lại Tacloban, Manicad tiếp tục gặp nhiều người sống sót khác. Họ viết nguệch ngoạc thông tin về mình và người thân rồi xin anh liên lạc với họ và để cho cả thế giới biết họ đã vượt qua được những gì tồi tệ nhất.
Những mẩu tin viết: "Tôi còn sống"; "Đừng lo, chúng tôi ổn cả"; "Dì ơi, chúng cháu cần giúp đỡ! Xin hãy giúp đỡ! Chúng cháu ổn nhưng nhà thì bị phá nát rồi".
"Họ trao cho tôi những mẩu tin viết trên bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy, làm sao viết được là được. Họ thậm chí còn muốn viết lên một chiếc hộp nhỏ mà tôi mang theo người. Tôi tập hợp tất cả lại và khi tôi có cơ hội làm bản tin trực tiếp, tôi lại cho chiếu mặt của những người viết tin nhắn gửi tôi".
"Cuối cùng, chúng tôi cũng có thể quét hình và gõ những tin nhắn đó rồi đăng chúng lên mạng", Jiggy Manicad cho biết thêm.
Đó là những người may mắn và Manicad cho biết anh đã nhận được một số phản hồi từ thân nhân của các nạn nhân.
Nhà báo này đã có mặt ở Tacloban đúng vào thời điểm bão quét qua và nhận ra đây có thể là một trong những trải nghiệm tồi tệ nhất trong đời mình.
"Tôi nhìn lên trần nhà và chờ cho nó rung lên. Tôi đã nghĩ sự tàn phá có thể rất lớn nhưng chúng tôi không nhìn thấy gì bên ngoài vì mưa to gió giật".
Anh kể rằng các con tàu ngoài khơi bị thổi tung còn những cây cọ bị nhấc bổng như que tăm. Sau đó, cả nhóm tìm cách vượt qua các tuyến đường ngập nước và phát hiện nhiều thi thể nằm cạnh máng xả, xe cộ bị lật ngược còn xác chó, lợn và chuột ở khắp nơi.
"Dọc đường, người dân hỏi rằng liệu họ có được phỏng vấn để họ có thể chuyển
lời kêu gọi giúp đỡ và gửi tin nhắn cho người thân hay không. Và tôi có cảnh này
trong máy quay của chúng tôi".
Erel Cabatbat, một phóng viên đài TV5 ở Manila, vừa đưa tin về thảm họa và vừa giúp đỡ những người bị mắc kẹt ở Tacloban liên lạc với người thân. Cabatbat cho biết, người dân đưa cho anh những mẩu tin kèm số điện thoại để nhắn. Ngay khi anh rời thành phố này và thực hiện bản tin, anh đã gửi tin nhắn để thông báo cho người thân của họ.
Một câu chuyện còn ám ảnh Cabatbat là trường hợp của một bác sĩ, người đã đi bộ 5km từ ngôi nhà bị bão phá nát của mình để tới sân bay trú ẩn tạm thời.
"Ông ấy ướt hết, người toàn bùn đất và ông ấy hỏi tôi rằng nếu tôi có cơ hội
trở lại Cebu thì hãy liên lạc với con ông. Tôi đã gửi tin nhắn cho họ và đăng
trên tài khoản Twitter của tôi. Họ đã gọi lại cho tôi và cho biết đang về
Tacloban để đưa ông tới nơi an toàn".
Cabatbat đã đi khắp thành phố và ghi lại tin nhắn từ những người sống sót khác để đăng lên Twitter và liên lạc nếu có số điện thoại.
"Tôi chưa từng nếm trải thảm họa như thế này trước kia - quá đau buồn và tuyệt vọng. Đôi lúc tôi thấy mình quá nhỏ bé, bởi vì tôi không làm được gì nhiều. Tất cả những gì tôi có thể là cố gắng và tiếp xúc, trấn an họ rằng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để giúp họ tìm được người thân".
"Hai ngày trước khi bão đổ bộ, họ không nghĩ bão lại to như thế. Mọi người
không lường trước được", Cobatbat cho biết thêm.
Trong khi đó, bên ngoài trụ sở đài GMA News ở Manila, người dân đứng thành hàng
dài để chờ hỏi tin tức về người thân của mình. Đài này cũng đã mở một chuyên
trang giúp tìm kiếm thân nhân sau siêu bão Haiyan.
Các trang web khác như Philippines Yahoo News đăng tải danh sách người sống sót và nhiều danh sách khác cũng có thể được tìm thấy trên mạng.
Nhưng với các phóng viên Philippines đang tác nghiệp ở vùng thảm họa, họ vừa đưa tin vừa làm cầu nối giữa những người thoát chết sau bão với thân nhân của họ. Jiggy Mannicad cho biết, anh bị ám ảnh bởi những mẩu giấy ghi tên, số điện thoại và tình cảnh của vô số gia đình - đã chết hoặc còn sống. Còn Erel Cabatbat hiện vẫn tiếp tục đăng tin nhắn từ những người sống sót mà anh gặp khi tác nghiệp ở vùng bão.
Thanh Hảo (Theo BBC)