Trận cuồng phong Haiyan - một trong những siêu bão lớn nhất trong lịch sử được ghi nhận của thế giới - đã để lại đau đớn tột cùng cho người dân miền trung Philippines với thiệt hại khủng khiếp cả về người và tài sản sau khi quét qua nơi đây.

> Toàn cảnh siêu bão Haiyan tàn phá Philippines

Sức mạnh hủy diệt của Haiyan

Haiyan là phiên âm tiếng Anh của tiếng Trung Quốc, có nghĩa là chim hải âu. Tiếng Việt, nó được gọi là Hải Yến còn ở Philippines là Yolanda.

{keywords}
Sức hủy diệt của bão Haiyan không khác gì một trận sóng thần. (Ảnh: AP)

Sau khi xuất hiện ở Thái Bình Dương, Haiyan đã đổ bộ vào Philippines ngày 8/11, cướp mạng sống của hàng chục nghìn người tại miền trung Philippines và phá nát mọi thứ trên đường đi của nó trước khi tiến vào Biển Đông và tấn công các tỉnh miền Bắc Việt Nam nhưng với sức gió đã giảm bớt (140km/h).

Siêu bão cấp 5 này có sức gió lên tới 314 km/h và giật 379km/h, thuộc hàng mạnh nhất về tốc độ gió trong lịch sử được ghi nhận của thế giới. Tầm ảnh hưởng của Haiyan rộng hơn 483 km, gây ra nhiều con sóng lớn ở khu vực mà nó đi qua.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Haiyan là bão mạnh nhất trên thế giới năm 2013. Nó cũng là một siêu bão tàn khốc nhất tràn vào đất liền trong lịch sử từ trước tới nay, vượt trội về sức gió so với 3 siêu bão được ghi nhận mạnh nhất trước đây gồm siêu bão Tip (1979), bão Camille (1969) và bão Allen (1980).

10.000 người tử vong

Đến ngày 11/11 vẫn chưa có thông kê cuối cùng về số thương vong sau khi Haiyan càn quét miền trung Philippines. Một quan chức của tỉnh Leyte, nơi bị tàn phá nặng nề nhất, cho biết riêng nơi đây đã có ít nhất 10.000 người chết.

Theo mô tả của báo chí, tỉnh Leyte hiện giờ giống như một nơi vừa trải qua "ngày tận thế".

Xác người chết nằm la liệt trên những con đường ở Tacloban, thành phố thủ phủ của tỉnh này. Nhiều thi thể đã bắt đầu phân hủy và bốc mùi hôi thối.

"Từ trực thăng, bạn có thể thấy mức độ tàn phá của cơn bão. Tôi không biết mô tả những gì đã chứng kiến như thế nào. Nó quá khủng khiếp", Bộ trưởng Nội vụ Philippines Manuel Roxas nói.

"Chúng tôi dự kiến con số người chết cũng như bị thương rất cao. Tất cả những hệ thống, mọi dấu vết của cuộc sống hiện đại, bao gồm viễn thông, điện, nước, đều bị tê liệt", ông cho biết thêm.

Cứu hộ rốt ráo

Lực lượng cứu hộ hiện đang chạy đua với thời gian để tiếp cận và cứu giúp các nạn nhân song vẫn còn nhiều ngôi làng và thị trấn bị cô lập hoàn toàn.

{keywords}
Đặc công Philippines từ thủ đô Manila được đưa tới Tacloban để giúp khôi phục trật tự. (Ảnh: Getty)

Hàng nghìn binh sĩ cũng được triển khai tới vùng thảm họa trong khi các máy bay vận tải quân sự hoạt động như con thoi để phân phát hàng cứu trợ.

Hiện tại các nỗ lực đang được tập trung vào tỉnh Leyte và thủ phủ Tacloban. Tuy nhiên, các quan chức của thành phố này đang đối mặt với vô vàn khó khăn trong bối cảnh người dân vô cùng bấn loạn và hoang mang.

Vật lộn với hậu quả thiên tai

Theo Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines, có đến 4,28 triệu người, thuộc 1.363 ngôi làng tại 36 tỉnh của quốc gia này bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan. Hàng nghìn ngôi nhà, trường học và một sân bay ở Tacloban đã bị san phẳng.

{keywords}
Hàng nghìn ngôi nhà ở miền trung Philippines bị tàn phá và hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan. (Ảnh: AP)

Khoảng nửa triệu người ở miền trung Philippines hiện rơi vào tình cảnh mất nhà cửa và những người này đang đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để sinh tồn.

Theo lời kể của các nhân chứng, nhiều người hiện đang phải lang thang vật vờ tìm kiếm thức ăn nước uống trong bối cảnh lương thực, thực phẩm, nước sạch đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Trắng tay vì mất người và tài sản, nhiều người trở nên hung hăng mất lý trí. Đã xảy ra tình trạng cướp bóc ở một số nơi thuộc Tacloban với một vài trung tâm mua sắm và cửa hàng bị cướp sạch.

Chia sẻ từ cộng đồng quốc tế

Các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngày 10/11, đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước việc siêu bão Haiyan gây thiệt hại nặng nề cho quốc đảo này, và quyết định viện trợ khẩn cấp 100.000 USD. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam chia sẻ với nhân dân Philippines trong thời khắc khó khăn này.

{keywords}
Chưa có đánh giá và thống kê cuối cùng về thiệt hại mà siêu bão Haiyan gây ra cho Philippines. (Ảnh: AP)

Giáo hoàng Francis kêu gọi viện trợ cho các nạn nhân ở đất nước đông người Công giáo này. "Thật buồn, có rất nhiều nạn nhân và thiệt hại thì khủng khiếp. Hãy cùng cố gắng cung cấp sự giúp đỡ chắc chắn".

Tổng thống Barack Obama đã đưa ra thông điệp nói rằng "ông thực sự đau buồn về tổn thất nhân mạng và thiệt hại quá lớn", đồng thời ca ngợi "đức tính kiên cường đáng khâm phục của người dân Philippines".

Từ Australia, Bộ trưởng ngoại giao Julie Bishop thông báo sẽ viện trợ khẩn cấp 400.000 USD cho nhân dân Philippines. Gói viện trợ khẩn của Australia bao gồm mền, chiếu, màn chống muỗi, dụng cụ chứa nước, dụng cụ y tế, vệ sinh sức khoẻ cho các gia đình bị bão gây thiệt hại.

{keywords}

Canada cho biết sẽ hỗ trợ 5 triệu USD giúp người dân Philippines. Trng khi đó, chính phủ Anh cam kết hỗ trợ 5 triệu Bảng giúp đỡ người dân Philippines.

Ngoài ra, Philippines cũng sẽ nhận được 124.000 USD viện trợ từ New Zealand. Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand cho biết viện trợ của họ sẽ được chuyển tới Hội chữ thập đỏ để giúp tổ chức này bảo đảm nguồn cứu trợ khẩn cấp và thực hiện việc đánh giá thiệt hại sau cơn bão ở Philippines.

Thanh Hảo