Thị trưởng thành phố Tacloban, nơi bị siêu bão Haiyan tàn phá nặng nề nhất ở miền trung Philippines, vừa kêu gọi dân chúng hãy mau chóng rời đi các thành phố khác để trú ẩn nếu có thể.

Ông Alfred S. Romualdez nói rằng các nhà chức trách địa phương đang nỗ lực hết sức để cung cấp đủ lương thực và nước uống cho các nạn nhân song đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc duy trì luật pháp và trật tự.

{keywords}

Siêu bão Haiyan để lại hậu quả nặng nề mà Philipppines phải mất nhiều năm mới phục hồi được. (Ảnh: AP)

Vị thị trưởng này đưa ra lời khẩn cầu kể trên khi nỗ lực đầu tiên ở Tacloban nhằm tổ chức lễ mai táng tập thể cho các nạn nhân siêu bão thất bại. Một đoàn xe tải của cảnh sát chở hơn 200 thi thể trương thối buộc phải quay trở lại sau khi các sĩ quan nghe thấy nhiều tiếng súng nổ khi họ tiếp cận ranh giới của thành phố.

Số xác trên đã được đưa về một bãi tập kết dưới chân ngọn đồi mà phía đỉnh tọa lạc Tòa thị chính của thành phố.

Thị trưởng Romualdez cho biết, thành phố đang khẩn thiết cần xe tải và các lái xe để phân phát hàng cứu trợ vốn đang chồng đống và ùn ứ tại sân bay. Họ cũng cần nhiều xe tải hơn nữa cùng nhân lực và thiết bị hạng nặng để kéo những thi thể thối rữa ra khỏi đống đổ nát và nhà sập khắp thành phố.

{keywords}

Nhiều người sống sót sau bão ở miền trung Philippines đang chật vật sống qua ngày vì thiếu lương thực và nước uống. (Ảnh: AP)

"Tôi phải quyết định tại mỗi cuộc họp rằng điều gì quan trọng hơn, hàng cứu trợ hay thu gom xác chết", ông Romualdez cho biết. Quan chức này bác bỏ tin đồn rằng nổ súng đã diễn ra trong đám người đói khát đang càng ngày càng đông, khẳng định rằng các chủ doanh nghiệp và một số người khác chỉ đơn thuần bắn đi những phát đạn cảnh cáo.

"Đó là lý do thỉnh thoảng bạn nghe thấy tiếng súng, nhưng là để ngăn chặn cướp bóc", ông giải thích thêm.

Romualdez không đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ nào của thành phố cho những người đang tìm cách rời khỏi nơi này, nhấn mạnh rằng thành phố hiện giờ gần như không còn xe nào hoạt động. Đoàn xe buýt và taxi của Tacloban - thành phố có 220.000 người trước khi bị trận cuồng phong Haiyan càn quét - đã bị hư hại nặng.

Viện trợ nước ngoài đã đến với người dân

Mỹ và Philippines hiện đang cố tận dụng hết các khoảng trống trên máy bay để chở người sống sót rời đi sau khi thả hàng cứu trợ xuống vùng thảm họa.

Jerry Sambo Yaokasin, một quan chức cấp cao của chính quyền Tacloban, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng quân đội và cảnh sát Philippines có thể đã phải trải lực lượng quá mỏng để đảm bảo an ninh ở Tacloban, ngay cả khi họ phải cố gắng tiếp cận các cộng đồng ven biển để đánh giá thiệt hại. Ông gợi ý rằng có thể phải cần đến các lực lượng nước ngoài, một phần để đảm bảo an ninh cho các trạm xăng hoạt động trở lại.

Trong khi đó đã có dấu hiệu đầu tiên rằng hàng viện trợ nước ngoài đã có mặt ở Tacloban sau khi các máy bay Mỹ phân phát 25 tấn bánh quy cho những người đang vật vờ vì đói khát nơi đây.

{keywords}

Mỹ là nước đi đầu trong nỗ lực giúp đỡ Philippines khắc phục hậu quả bão Haiyan.

Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết ngày 14/11 rằng gần 50.000 người ở trong và xung quanh Tacloban đã được phân phát gạo và thực phẩm đóng hộp. Mỗi túi hàng nặng 3kg, đủ để nuôi sống một gia đình trong vài ngày. Gần 25 tấn bánh quy năng lượng cao cũng sắp đến tay người bị nạn, hoặc đang được phân phát hoặc đang trên máy bay tới vùng thảm họa.

Tăng trưởng tụt giảm

Tổng số người chết hiện vẫn là một ẩn số. Chính phủ Philippines đưa ra con số chính thức là 2.275 người tính đến thời điểm này, ít hơn nhiều so với ước tính ban đầu là 10.000 người.

Bộ trưởng Năng lượng Jericho Petilla ước tính có thể mất 6 tuần để cộng đồng đầu tiên trong số những cộng đồng bị bão tàn phá có điện trở lại. Ông cho biết nhiều đường dây điện và nhà máy điện bị hư hại, và ở những nơi như Tacloban, tình trạng rối loạn trật tự và luật pháp đang khiến cho nhiệm vụ phục hồi sau bão trở nên khó khăn hơn.

Bộ trưởng Tài chính Cesar Purisma cho biết mức độ tàn phá của bão Haiyan có thể làm giảm tăng trưởng của Philippines 1 điểm phần trăm vào năm tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự doán nền kinh tế Philippines sẽ đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2014.

Ông Purisma thừa nhận phải mất "nhiều năm" để Philippines tái thiết cơ sở hạ tầng bị bão tàn phá.

Thanh Hảo (Tổng hợp)