Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đạt được tiến bộ trong kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran song ông và các nhà lãnh đạo thế giới khác còn rất nhiều chông gai phải vượt qua trước khi biến hiệp ước tạm thời hôm 24/11 thành một thỏa thuận toàn diện.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Trong một dấu hiệu cho thấy mức độ khó khăn của những cuộc hội đàm sắp tới, một số khác biệt đã nổi lên giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran trong phần trình bày công khai của họ về một phần then chốt của thỏa thuận: Iran có giữ được quyền làm giàu uranium hay không.

Obama cũng phải thuyết phục đồng minh Israel rằng thỏa thuận sẽ làm giảm chứ không làm tăng mối đe dọa từ kẻ thù Iran của nhà nước Do Thái. Ngay khi thỏa thuận ra đời, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố đó là một "sai lầm lịch sử".

Tổng thống Mỹ còn phải vận động được những người hoài nghi trong Quốc hội, trong đó có cả một số nghị sĩ cùng đảng Dân chủ vốn đang thúc ép tăng thêm cấm vận lên Iran.

{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trò chuyện cùng người đồng nhiệm Pháp Laurent Fabius (phải) cạnh người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trong một buổi lễ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva ngày 24/11. (Ảnh: Reuters)


Các bên gồm Iran, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức đã đạt được đột phá về hạt nhân Iran vào lúc nửa đêm tại cuộc hội đàm ở Geneva. Thỏa thuận cũng đã được lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khameini chẩn thuận.

Thành công đó đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng trong quan hệ của Mỹ với Iran mà vốn băng giá kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và càng tồi tệ hơn do chương trình hạt nhân của Tehran. Nhưng không ai không thấy rõ rào cản đang chất chồng ở chặng đường phía trước.

Thỏa thuận đặt ra khung thời gian 6 tháng cho các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy nới lỏng viện trợ trị giá 7 tỷ USD cho nước này.

"Giờ đây, phần thực sự khó khăn mới bắt đầu và đó là nỗ lực phải đạt thỏa thuận toàn diện. Điều này đòi hỏi nhiều bước đi lớn về thẩm tra, minh bạch và giải trình", ông Kerry nhấn mạnh ngay khi bắt đầu cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh William Hague ở London.

Thỏa thuận mới - theo đó hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhất của Iran cùng nỗ lực của nước này nhằm làm giàu uranium cấp độ cao hơn sẽ phải tạm dừng - gắn kèm với các bước xây dựng lòng tin hướng tới xoa dịu căng thẳng kéo dài đã nhiều thập niên qua và cuối cùng là tạo ra một Trung Đông an toàn và ổn định hơn.

Ngoại trưởng Iran và nhà đàm phán trưởng Mohammad Javad Zarif đã từ Geneva bay về nước. Họ nhận được sự đón chào nồng nhiệt ở nước nhà, phản ánh tâm trạng phấn khởi của nhiều người Iran vốn đã mệt mỏi vì cấm vận và cô lập, đặc biệt là trong hai năm  vừa qua.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình quốc gia, ông Zarif cho biết Iran sẽ nhanh chóng tiến tới thực thi thỏa thuận và sẵn sàng bắt tay vào đàm phán một hiệp ước cuối cùng. "Trong những tuần tới đây - vào cuối năm Dương lịch - chúng tôi sẽ bắt đầu chương trình cho giai đoạn đầu. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào đàm phán cho một nghị quyết cuối cùng ngay trong ngày mai", trích lời ông Zarif.

Tuy nhiên, khó khăn đã xuất hiện khi ông và Ngoại trưởng Mỹ Kerry có những diễn giải công khai khác nhau quanh một phần then chốt của thỏa thuận về quyền làm giàu uranium của Tehran.

Theo thỏa thuận ngày 24/11, Iran và các cường quốc lớn muốn đạt được một thỏa thuận cuối cùng "bao hàm một chương trình làm giàu uranium được các bên cùng vạch rõ với những tham số được nhất trí phù hợp với nhu cầu thực tiễn, với những giới hạn thống nhất về quy mô và mức độ của các hoạt động làm giàu".

Trước khi lên đường tới Geneva, ông Zarif có một cuộc gặp chủ chốt với lãnh tụ tối cao Khamenei và có sự tham dự của Tổng thống Rouhani, một thành viên cấp cao của phái đoàn Iran cho biết.

"Lãnh tụ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng quyền làm giàu uranium của Iran và ông ủng hộ phái đoàn chừng nào họ tôn trọng ranh giới đỏ này", nguồn tin nhấn mạnh.

Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình Press TV của Iran, ông Zarif nói thỏa thuận là một cơ hội để phương Tây khôi phục lòng tin với Iran, đồng thời nói thêm rằng Tehran sẽ mở rộng hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) để giải quyết một số lo ngại.

"Bước cuối cùng, tiến trình làm giàu (uranium) sẽ được chấp nhận và cùng lúc đó tất cả các lệnh cấm vận sẽ được dỡ bỏ", ông Zarif tuyên bố.

Tuy nhiên, trong chương trình "Tuần Này" của đài ABC News, Ngoại trưởng Kerry nói rằng một quyền như vậy sẽ bị hạn chế và điều này sẽ đạt được trong các cuộc đàm phán tương lai.

Một khó khăn nữa là Washington phải đối mặt với nhiệm vụ xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với đồng minh Israel. Tổng thống Obama đã gọi điện cho Thủ tướng Netanyahu để tái đảm bảo với ông này rằng Washington sẽ tiếp tục đứng về phía Tel Aviv, và gợi ý hai nước có thể sẽ nhanh chóng tham vấn về vấn đề hạt nhân Iran.

Ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ phải thuyết phục được những người chỉ trích ở trong nước mình.

Cùng ngày 24/11, một số thành viên cùng đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã lớn tiếng chỉ trích thỏa thuận. Thượng nghị sĩ Charles Schumer của New York, nhân vật Dân chủ thứ 3 tại Thượng viện và là một thành viên của Ủy ban Ngân hàng, lập luận: "Một thỏa thuận hợp lý hơn sẽ phải kết hợp giảm cấm vận với cắt giảm tương đương năng lực hạt nhân Iran".

Thanh Hảo (Tổng hợp)