Những người sống sót sau siêu bão Haiyan tại Philippines đã được trả tiền để dọn dẹp núi rác thải từ những thành phố và trang trại đổ nát.
TIN BÀI KHÁC:
Nạn nhân sống sót sau bão Haiyan tìm kiếm trong đống đồ cũ bên ngoài một tiệm rau quả bị bão tàn phá. (Ảnh: AP) |
Các cơ quan Liên Hợp Quốc (LHQ) đang triển khai chương trình "trả tiền để làm việc", với hy vọng sẽ giúp cộng đồng bị ảnh hưởng bởi Siêu bão Haiyan nhanh chóng vượt qua cơn khủng hoảng trước mắt.
"Điều này không chỉ giúp bình thường hóa nền kinh tế, mà làm việc còn mang tới cho mọi người cảm giác trở nên có ích," Tim Walsh, người đứng đầu Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) triển khai tới thành phố Tacloban và các vùng lân cận cho biết.
LHQ, cùng với chính phủ Philippines, hy vọng sẽ tạo ra ít nhất 200.000 công việc, có thể duy trì trong 3 năm.
Theo Walsh, nhiệm vụ trực tiếp của họ đã giúp xóa bỏ núi rác và đống đổ nát, công việc cần thiết cho phép vận chuyển hàng cứu trợ và thực hiện các dịch vụ thiết yếu khác nhanh chóng hơn.
Siêu bão Haiyan, cơn bão mạnh nhất tấn công đất liền từng được ghi nhận, đã quét qua các hòn đảo ở miền trung Philippines, cướp đi sinh mạng của hơn 5.500 người và phá hủy một phần hoặc hoàn toàn 4 triệu ngôi nhà.
Bà Leslie Wright, một phát ngôn viên của đội UNDP tại Tacloban cho biết chương trình "trả tiền để làm việc" tương tự một nỗ lực tại khu vực Aceh của Indonesia sau khi một trong những cơn sóng thần khủng khiếp nhất thế giới cướp đi sinh mạng của 170.000 người vào năm 2004.
"Một vài điều mà chúng ta đang chứng kiến có thể so sánh với Aceh bao gồm những đống đổ nát gồm gỗ, kim loại, đá và bê tông, ngoài ra còn có rác thải hữu cơ và xác chết bị phân hủy từng ngày," bà nói.
Các công nhân tình nguyện được trả từ 250-500 pesos một ngày một ngày để đưa rác tới các điểm tập kết, nơi các xe tải sẽ mang chúng tới một bãi rác tạm thời ở ngoại ô để phân loại.
"Chúng tôi có thể tái sử dụng gỗ và các thanh kèo, xà như đã làm tại Aceh, nơi chúng tôi thường dùng chúng để dựng lại trường học và các ngôi nhà, trong khi bê tông được sử dụng làm đường," bà Wright nói.
"Chúng tôi tái chế các vật liệu nhiều tới mức có thể," bà nói thêm.
Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đang tìm cách xây dựng một chương trình tương tự tại các khu vực nông nghiệp, trả tiền cho nông dân và những người khác trong cộng đồng để họ làm sạch mảnh đất cũng như nạo vét các kênh mương.
Ông John Lim, người đứng đầu thành phố Tacloban, cho rằng việc người dân tham gia quá trình dọn sạch và tái thiết là một biện pháp quan trọng để họ có thể vượt qua những chấn thương sau thảm họa.
"Chúng tôi muốn mang tới cho họ cảm giác có phương hướng, có gắng giúp họ đứng vững trên đôi chân của mình và khuyến khích họ giúp chúng tôi làm sạch cộng đồng," ông Lim nói.
Và đối với những công nhân như cô Rowena Cayuda, một bà mẹ 5 con, đây thực sự là một sự hỗ trợ mà họ không chỉ phụ thuộc vào hàng cứu trợ để sống sống.
"Chúng tôi đang làm việc tốt và chúng tôi đang giúp đỡ cộng đồng," Cayuda nói.
Cayuda cho biết cô và chồng, người đã mất việc sau khi cửa hàng ô-tô nơi anh làm việc bị phá hủy, ban đầu đã nghĩ tới việc rời khỏi thành phố, nhưng họ không có tiền để đi lại.
"Những gì chúng tôi có hiện rất ít , chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể bắt đầu buôn bán nhỏ, có thể là một cửa hàng và không đi đâu cả," Cayuda nói.
Sầm Hoa (Theo ST)