TIN BÀI LIÊN QUAN:
Thêm nhiều người biểu tình cũng tập trung bên ngoài trụ sở đảng cầm quyền như một phần của các nỗ lực đòi chính phủ từ chức.
Cảnh sát chống bạo loạn làm nhiệm vụ bên ngoài trụ sở cảnh sát quốc gia Thái Lan ở thủ đô Bangkok ngày 28/11 trước làn sóng biểu tình chống chính phủ rầm rộ. |
Hôm 28/11, Thủ tướng Yingluck Shinawatra kêu gọi người biểu tình ngừng hành động, sau khi bà vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Tuy nhiên, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban bác bỏ kêu gọi này.
"Chúng tôi sẽ không cho họ làm việc nữa", nhà cựu lập pháp cấp cao thuộc phe đối lập tuyên bố trong một bài phát biểu cùng ngày.
Tại trụ sở quân đội ở Bangkok, người biểu tình mở cửa và hiện họ đang có mặt bên trong tòa nhà", một phát ngôn viên quân đội Thái Lan xác nhận. Bà này cho biết thêm rằng lúc đó chỉ huy quân đội không có mặt tại văn phòng của ông.
"Chúng tôi muốn biết quân đội đứng về phía nào". hãng tin Reuters dẫn lời một người biểu tình.
Người biểu tình cho rằng chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra bị anh trai bà giật dây. |
Trong khi đó, an ninh đã được thắt chặt xung quanh trụ sở đảng Pheu Thai cầm
quyền.
"Chúng tôi đang triển khai hai đội cảnh sát (khoảng 300 sĩ quan) tại trụ sở của Pheu Thai sau khi họ yêu cầu bảo vệ", phó chỉ huy cảnh sát quốc gia Thái Lan Worapong Siewpreecha cho biết.
Trong tuần qua, người biểu tình chống chính phủ đã bao vây và chiếm cứ trong thời gian ngắn nhiều tòa nhà công quyền nhằm làm gián đoạn hoạt động của chính phủ. Trong các cuộc biểu tình vốn diễn ra ôn hòa cho đến nay, những người tham gia còn cắt nguồn điện của trụ sở cảnh sát quốc gia và buộc cơ quan chống tội phạm hàng đầu của Thái Lan phải sơ tán.
Người biểu tình cho rằng chính phủ của Thủ tướng Yingluck bị giật dây bởi anh trai của bà, vị cựu Thủ tướng bị lật đổ đang phải sống lưu vong Thaksin Shinawatra.
Người biểu tình đòi chính phủ của Thủ tướng Yingluck phải từ chức. |
Bà Yingluck đã viện đến một số quyền hạn đặc biệt để áp lệnh giới nghiêm và
phong tỏa một số tuyến đường. Cảnh sát cũng đã ra lệnh bắt giữ đối với ông
Suthep nhưng đến giờ họ vẫn chưa có động thái gì nhằm thực hiện lệnh này.
Trong một bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Yingluck kêu gọi người biểu tình nên đàm phán với chính phủ. "Chính phủ không muốn lao vào bất kỳ một trò chính trị nào bởi vì chúng tôi tin rằng nó sẽ khiến cho nền kinh tế này suy yếu", bà nhấn mạnh.
Ước tính 100.000 người ủng hộ phe đối lập đã biểu tình chống chính phủ ở Bangkok trong ngày đầu tiên (Chủ Nhật, 24/11) và con số này giảm dần trong những ngày tiếp theo. Lượng người biểu tình vào cuối tuần này được cho là sẽ tăng trở lại.
Thái Lan đang đối mặt với làn sóng biểu tình lớn nhất kể từ năm 2010, khi hàng nghìn người "Áo đỏ" ủng hộ Thaksin chiếm giữ các khu vực chủ chốt ở thủ đô Bangkok. Hơn 90 người, chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng vì bạo lực trong cuộc biểu tình ngồi kéo dài 2 tháng khi đó.
Thanh Hảo (Theo BBC, Reuters)