TIN BÀI KHÁC:
ADIZ mới của Trung Quốc bao trùm nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. |
Lâu nay, các sĩ quan hải quân Trung Quốc không ưa gì sự hiện diện của Mỹ ở tây Thái Bình Dương - và giờ đây Bắc Kinh đang đối diện với những giả định chiến lược vốn đã thống trị khu vực kể từ Thế chiến II.
Sự phô diễn sức mạnh gần đây của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông đã dấy lên nhiều quan ngại và làm gia tăng ngoại giao hậu trường ở Washington. Tuy nhiên, các diễn biến liên quan đến ADIZ trong tuần trước đã buộc Mỹ phản ứng tức thì - điều hai máy bay ném bom B-52 từ đảo Guam bay qua vùng phòng không mà Trung Quốc tự nhận.
Việc Trung Quốc đơn phương xác lập ADIZ, kèm theo cảnh báo rằng nước này sẽ áp dụng "các biện pháp phòng thủ khẩn cấp" đối với những máy bay không rõ danh tính, đã nêu bật những nguy cơ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản về chuỗi đảo nhỏ bé không người ở trên biển Hoa Đông.
Mặc dù một số người cho rằng hành động của Trung Quốc gây tác dụng ngược, các chuyên gia ở Trung Quốc lại cho rằng điều đó nằm trong một nỗ lực dài hạn, mang tầm quan trọng lịch sử rộng lớn hơn đối với Mỹ với vai trò nước đảm bảo an ninh cho Nhật Bản.
Căng thẳng leo thang trong khu vực chắc chắn sẽ là vấn đề nổi cộm khi Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden công du tới Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc trong tuần này. Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Renmin, cho rằng Washington đã công nhận Trung Quốc như một cường quốc ngoại giao và thương mại thì giờ đây cũng nên công nhận nước này có cần nhu cầu về "không phận chiến lược" riêng.
"Cách thức Mỹ và các đồng minh công nhận sẽ là điều chủ chốt cho tương lai khu vực", ông đánh giá. "Vùng phòng không này sẽ khiến Mỹ phải có tư duy chiến lược sâu sắc hơn nữa về sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Một nhà phân tích Trung Quốc có quan hệ với quân đội nước này cảnh báo Tokyo và Washington không nên hiểu lầm Bắc Kinh là một "con hổ giấy" và nói thêm rằng các chuyến bay do thám của Mỹ gần bờ biển Trung Quốc - chẳng hạn vụ việc năm 2001 trên đảo Hải Nam - sẽ "không bao giờ được phép xảy ra nữa".
Nhật Bản và Hàn Quốc, một đồng minh chiến lược khác của Mỹ, cũng đã cử máy bay quân sự qua vùng ADIZ mới của Trung Quốc mà không thông báo cho Bắc Kinh. Hành động này là nhằm tăng cường sức mạnh cho những phản đối ngoại giao của hai nước trước đó.
Về tính chất quyết đoán trong động thái mới của Trung Quốc, một số nhà phân tích khu vực tin rằng Bắc Kinh đã quá đà so với trước kia. Chẳng hạn, sự hiện diện luân phiên của các tàu Trung Quốc ở những vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này tranh giành với Nhật Bản vẫn tiếp diễn mà không gây một phản ứng quân sự trực tiếp nào từ Washington.
Một số người cho rằng, thực tế các máy bay Trung Quốc vẫn chưa thực hiện việc ngăn chặn trên không như cảnh báo trong tuần qua cho thấy sự tháu cáy của Bắc Kinh đã bị "bắt bài". Họ cũng lúng túng về cách thức hành động sao cho phù hợp với chủ trương ngoại giao "quyền lực mềm" lâu nay.
"Những gì Chủ tịch Tập Cận Bình cố gắng thực hiện là tạo ra một sự cân bằng
giữa mềm và cứng, giữa phe bảo thủ và phe tự do. Đây là một phần trong tiến
trình thử nghiệm và sai số nhằm đạt được một sự cân bằng chuẩn xác", cựu nhà
ngoại giao cao cấp Nhật Bản Hitoshi Tanaka bình luận.
Theo cách nhìn của các quan chức Mỹ, thực tế vùng phòng không Trung Quốc mới
nhận chồng lấn với vùng phòng không của Nhật Bản - bao trùm các đảo tranh chấp
mà Washington có nghĩa vụ bảo vệ theo hiệp ước với Tokyo - cho thấy một sự thay
đổi chiến lược nguy hiểm. Và việc Trung Quốc tuyên bố họ có thể hành động chống
lại mọi máy bay không rõ danh tính không tuân thủ quy định đã làm dấy lên lo
ngại về nguy cơ gia tăng các vụ tai nạn và tính toán sai.
"Nó gây xích mích và bất ổn, nó cấu thành một thách thức đơn phương đối với nguyên trạng trong... một khu vực vốn đã đầy rẫy căng thẳng", một quan chức Mỹ nhận xét thêm.
Ở Tokyo hiện có một tâm lý rằng Trung Quốc đang chơi một trò chơi dài kỳ. Một
nguồn tin chính phủ tin rằng về ngắn hạn, hành động của Bắc Kinh gây tổn hại cho
"sự kiểm soát hiệu quả" của Nhật đối với các đảo tranh chấp còn về dài hạn, nó
cho thấy một cú đẩy của Bắc Kinh nhằm tạo ra một vùng phòng thủ rộng lớn trên cả
Biển Hoa Đông và Biển Đông. "Họ không cảm thấy an toàn nếu không có vùng không
gian rộng lớn giữa họ và kẻ thù của mình", quan chức này nhận định.
Trong khi đó ở Trung Quốc, có một ý thức rõ ràng về sứ mệnh lịch sử.
"Hành động của Trung Quốc là một cách đối diện với việc Mỹ leo thang sức mạnh
quân sự trong khu vực", trích lời Ni Lexiong, một chuyên gia phân tích quốc
phòng tại Đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải. "Đây là vấn đề của thể
diện và sự tôn trọng. Nó cũng là về các lợi ích quốc gia. Bạn phải nghiên cứu
bối cảnh lịch sử - từng có rất nhiều nước nông nghiệp phát triển nền kinh tế của
mình rồi sau đó biến thành các cường quốc hải quân. Đó là hệ quả của việc một
nước làm ăn trên toàn cầu. Điều đó là bình thường".
Thanh Hảo (Theo India Times)