Trung Quốc đang kích động Nhật Bản cư xử một cách nóng giận, trong khi thúc ép Mỹ hành động thận trọng và kiềm chế đồng minh của mình.
>> Vùng phòng không: Trung Quốc bất chấp luật quốc tế
>> Vùng phòng không TQ: Sau Hoa Đông sẽ "xử" biển Đông?
>> Trung Quốc đang tạo chảo lửa?
Chiến lược ép buộc thích hợp
Răn đe thích hợp là một chiến lược được các nhà hoạch định chiến lược Hoa Kỳ áp dụng nhằm bảo vệ hòa bình trước các mối đe dọa cụ thể. Còn tuyên bố mới đây của Trung Quốc về một Vùng nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông (ADIZ) lại bộc lộ những gì, mà về bản chất, là một chính sách ép buộc thích hợp - với mục đích ép buộc một số nước xác định phải phản ứng dứt khoát.
Trung Quốc đang kích động Nhật Bản cư xử một cách nóng giận, trong khi thúc ép Mỹ hành động thận trọng và kiềm chế đồng minh của mình. Bằng cách thúc ép Tokyo nhấn ga và khuyến khích Washington đạp phanh, Bắc Kinh đang nghĩ đến chuyện bảo vệ "các lợi ích quốc gia cốt lõi" đang nổi lên trong khi tiếp tục sự trỗi dậy hòa bình của TQ.
Trung Quốc còn tìm cách ngăn chặn sự phục hồi của Nhật Bản và kêu gọi Mỹ tiến vào "một kiểu quan hệ cường quốc mới" với mình.
Nhưng chính sách ép buộc thích hợp của Trung Quốc chỉ càng làm tăng thêm những căng thẳng trong khu vực. Bằng cách thách thức sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với các quần đảo tranh chấp, Trung Quốc đang dịch chuyển trọng tâm từ dưới biển lên trên không. Thời gian qua, nước này chủ yếu sử dụng các tàu thi hành luật dân sự để tranh đoạt quyền kiểm soát trên biển. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đang dùng đến cả Không lực Quân Giải phóng Nhân dân trong nỗ lực chiếm ưu thế trên không.
Căng thẳng biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2008. Đó là khi Bắc Kinh lần đầu tiên tăng cường các hoạt động trên biển. Nhưng các mối quan hệ đặc biệt tụt dốc nghiêm trọng vào tháng 9/2012 sau khi Nhật Bản chính thức quốc hữu hóa quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Ảnh minh họa |
Phản ứng của Trung Quốc là tăng cường tranh giành và không thừa nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với các vùng lãnh hải xung quanh quần đảo này. Các tàu của Trung Quốc thường xuyên tuần tiễu quanh các đảo - không chỉ bên ngoài giới hạn 12 hải lý của họ mà phần nào đó còn tiến hẳn vào ranh giới pháp lý quốc tế.
Sự phô diễn sức mạnh của Trung Quốc trước đó ở vùng ven biển nước này ở Biển Đông và Biển Hoa Đông nói chung đã báo động cho toàn khu vực. Có lẽ do yên tâm bởi nhận định sai lầm về một nước Mỹ đang cắt giảm chi tiêu, Trung Quốc đã quá lạm dụng sự kiểm soát ngoại giao của mình. Kết quả là ngoại giao khu vực đã liên kết phản ứng, khiến Trung Quốc phải điều chỉnh lại quan hệ với hầu hết các nước châu Á - Thái Bình Dương - dù không nhượng bộ bất kỳ một tuyên bố nào. Nổi bật là việc Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với 10 nước thành viên ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử COC.
Phép biện chứng chính sách ngoại giao "lắc lư" giữa hứa hẹn và quyết liệt này của Trung Quốc là một tiêu chuẩn mới. Có thể thấy Trung Quốc đang cố gắng cải tiến và xác định cẩn trọng các "nước đi" để thuận lợi đạt được cả sự trỗi dậy hòa bình lẫn bảo vệ thành công "các lợi ích quốc gia cốt lõi" của nước này. Chiến lược ép buộc thích hợp và chọn lọc đã trở thành một yếu tố chính trong chính sách Trung Quốc.
Chờ Nhật phản ứng thái quá
Một vấn đề là sự phô diễn trên không của Trung Quốc có thể nhanh
chóng dẫn tới một cuộc xung đột không đoán định được. Thực tế, hồi đầu
tháng này, Trung Quốc điều một máy bay không người lái tới gần quần đảo
tranh chấp, dẫn tới một số ý kiến ở Nhật Bản đòi bắn hạ mọi kẻ xâm nhập
không rõ danh tính trên bầu trời. Thế là, một quan chức Quân giải phóng
nhân dân TQ sau đó lên tiếng rằng, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy
bay của Trung Quốc cũng có nghĩa là tấn công nhằm vào Trung Quốc. Đây
là một trò chơi rất nguy hiểm.
Để hình dung mục tiêu của cuộc
tranh giành ưu thế trên không này, hãy liên hệ đến một câu chuyện của
nghị sĩ Nhật Yuriko Koike kể lại tuần trước. Koike, từng là cố vấn an
ninh quốc gia cho Thủ tướng Shinzo Abe trước kia, nhớ lại chuyện bà bị
lỡ chuyến bay của hãng Libyan Airlines từ Tripoli đi Cairo ngày
21/2/1973. Chuyến bay đó đã lạc vào không phận do Israel kiểm soát và bị
các chiến đấu cơ F-4 Phantom II của Israel bắn hạ làm 108 người thiệt
mạng.
Nhớ lại lần suýt chết đó, nữ nghị sĩ Koike cho biết vụ việc đã dạy cho bà hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ không phận của một nước, tức là bất kỳ nước nào nghiêm túc về chủ quyền trên không của mình đều phải sẵn sàng hành động dứt khoát như người Israel đã làm cách đây 40 năm phía trên Bán đảo Sinai. Sự kiện bà Koike nhớ lại mang tính cá nhân. Còn chính phủ Trung Quốc thì đang đề ra một chính sách chính thức.
Phát biểu về một vùng nhận diện phòng không, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đại tá Yang Yujun, tuyên bố Quân giải phóng nhân dân TQ "sẽ thực hiện các biện pháp phòng thủ khẩn cấp đối với những máy bay không hợp tác trong việc nhận dạng hoặc từ chối tuân thủ các quy định". Không toại nguyện với đường 9 đoạn mập mờ trên biển, Trung Quốc giờ đây đang cố vạch một đường tương tự trên bầu trời, làm mập mờ thêm ranh giới giữa các biện pháp phòng thủ và tấn công.
Lời cảnh báo lạnh lùng kể trên đã phá vỡ một loạt các đề nghị ngoại giao êm đẹp hơn từ Bắc Kinh. Trong cùng ngày vùng nhận diện phòng không được công bố, Trung Quốc chủ trì một cuộc đối thoại cấp cao Track 1.5 về an ninh hàng hải. Ngoài ra, tuần trước, một đoàn đại biểu gồm đông đảo các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản đã tới Trung Quốc. Đã có một tâm lý lạc quan mới nổi lên ở Nhật Bản rằng căng thẳng với người láng giềng to lớn sắp lắng dịu. Nhưng giờ thì bầu trời phía trên Biển Hoa Đông lại dường như đang bớt thân thiện đi và u tối thêm.
Khi Trung Quốc tạo ra một vùng phòng không quanh quần đảo Senkaku, Nhật Bản muốn biết rõ liệu vị trí đứng đầu về quân sự lâu nay của Mỹ có đảm bảo được một sự phòng thủ hữu ích. Nếu không thì đâu là giá trị của liên minh này? Liệu chính sách ngăn chặn mở rộng của Mỹ có dễ bị tấn công, hoặc thậm chí vô dụng? Các chuyên gia Nhật Bản đang đặt ra những câu hỏi cơ bản đó.
Chiến lược ép buộc thích hợp của Trung Quốc tìm cách thúc ép cả chính quyền bảo thủ của ông Abe và chính quyền tự do hơn của ông Obama hành động theo các xu hướng tự nhiên của họ. Cả hai đều phải phản ứng lại.
Như đã nói ở trên, Trung Quốc đang ép buộc Nhật Bản với hy vọng nước này sẽ có phản ứng thái quá - từ các thông điệp cấp bộ trưởng về việc bắn hạ máy bay Trung Quốc tới một chuyến viếng thăm chính thức không đúng lúc tới ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni. Một chuyến viếng thăm tới đền này sẽ không chỉ làm thay đổi cách nhìn của khu vực đối với Nhật Bản, từ một nước đóng góp an ninh tiên phong sang một nước chủ nghĩa quân phiệt hồi sinh, mà còn hủy hoại các cuộc đàm phán thương mại quan trọng vốn là nền tảng cho sự tự tin mà Nhật Bản vừa tìm lại được.
Trung Quốc cũng đang cố dụ Mỹ kiềm chế đồng minh của mình. Và cách tiếp cận này dường như mang lại kết quả. Tuần trước, trong bài phát biểu đầu tiên của mình về chính sách châu Á, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói như thể cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cần một bài học về sự kiềm chế như nhau.
Trong khi quy mô quân sự trong chính sách tái cân bằng của Mỹ tới châu Á chi phối các phát biểu của Obama trong nhiệm kỳ đầu của ông thì ở nhiệm kỳ 2, chính sách này dường như tập trung hơn vào cam kết ngoại giao và kinh tế. Tái cân bằng là một sự điều chỉnh định hướng dài hạn về sức mạnh toàn diện của Mỹ, và chính quyền Obama phải thể hiện hết sức rõ ràng rằng không hề có một khác biệt nào trong cách tiếp cận của 2 nhiệm kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel - người đã 3 lần công du châu Á ngay trong năm đầu tiên tại vị - ngay lập tức lên án tuyên bố vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc và ra một thông điệp dứt khoát nhằm trấn án đồng minh chủ chốt của Mỹ. Ông thẳng thừng: "Hành động đơn phương này làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai".
Tóm lại, một cấu trúc khu vực dựa trên các quy tắc có nghĩa là tất cả các nước tuân thủ các biện pháp giải quyết chung đã đồng thuận, theo đó những vấn đề chung toàn cầu - hàng hải, không gian mạng, không gian và không trung - đảm bảo lợi ích của tất cả các bên. Trong khi chờ đợi điều này, nước Mỹ cần phép biện chứng riêng của mình về sự cương quyết và giảm thiểu nguy cơ để chống lại chiến lược ép buộc thích hợp của Trung Quốc, trong khi tìm kiếm các biện pháp thiết thực để ngăn chặn xung đột bất ngờ.
*Tác giả bài viết, Tiến sĩ Patrick M. Cronin, là Giám đốc Cấp cao của Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới.
Sam Nguyễn (Theo War On the Rocks)