Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc hơn 5 giờ đối thoại trực tiếp ở Bắc Kinh mà không giải quyết được những căng thẳng quốc tế ngày càng tăng cao về vùng nhận diện phòng không mà Trung Quốc mới xác lập trên biển Hoa Đông.
TIN BÀI KHÁC:
Kết quả này đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về các động thái tiếp theo của mỗi cường quốc và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Cuộc gặp giữa Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt được tiến bộ nào trong việc xoa dịu căng thẳng trong khu vực về ADIZ mới của Bắc Kinh.
Tới Bắc Kinh ngày 4/12, Phó Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh rằng Nhà Trắng "không công nhận" ADIZ mới của Trung Quốc và muốn ban lãnh đạo nước chủ nhà tránh những hành động có thể làm leo thang đối đầu với Nhật Bản và các nước khác, một quan chức Mỹ cho biết.
Phía Trung Quốc nêu rõ lập trường của họ trong tranh chấp, nhưng không nói đến chuyện sẽ rút lại tuyên bố ADIZ. Thay vào đó, ông Tập Cận Bình tỏ ý sẽ "tiếp nhận" các yêu cầu của vị khách Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên ở Bắc Kinh sau các cuộc gặp, một quan chức Mỹ nói: "Từ góc nhìn của chúng tôi, điều đó tùy thuộc vào Trung Quốc. Và chúng ta sẽ xem mọi thứ diễn ra thế nào trong những ngày tới đây".
Theo giới quan sát, mặc dù ông Biden không bày tỏ sự thất vọng trong các bình luận công khai, kết quả chuyến thăm của ông tới Bắc Kinh không được như những gì phía Mỹ kỳ vọng.
Một ngày trước đó, Phó Tổng thống Mỹ đã đứng cạnh nhà lãnh đạo Nhật Bản ở Tokyo, cam kết sẽ trực tiếp nêu quan ngại của Washington về ADIZ mới với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, khi ông đặt chân tới Bắc Kinh, một bài xã luận trên Nhật báo Trung Quốc đã cáo buộc Washington "nhắm mắt làm ngơ trước những khiêu khích của Tokyo", cảnh báo rằng Biden không nên lặp lại "những nhận xét sai trái và một chiều" của chính phủ ông.
Cuối ngày hôm qua ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel gọi tuyên bố của Trung Quốc là "gây bất ổn" và than phiền rằng nó được đưa ra "một cách đơn phương và quá tức thì mà không có bất kỳ một sự tham vấn nào".
"Đó không phải là một tiến trình hành động khôn ngoan đối với bất kỳ nước nào", ông Hagel nói trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc.
Cả ông Biden và ông Tập Cận Bình đều không đề cập đến tranh cãi ADIZ khi họ xuất hiện ngắn ngủi trước các phóng viên lúc kết thúc các cuộc gặp đầu tiên. Tuy nhiên, theo các nhà chức trách Mỹ, vấn đề này đã xuất hiện ngay từ khi bắt đầu và được đề cập lần nữa vào lúc gần kết thúc cuộc gặp.
Một Biden tỏ ra lãnh đạm khi ông phản ánh tính phức tạp của mối quan hệ Trung - Mỹ, hai cường quốc thế giới đang tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn bất chấp những khác biệt lớn về ý thức hệ mà đến giờ họ vẫn chưa thể vượt qua.
"Mô hình hợp tác nước lớn mới này rốt cuộc phải được dựa trên sự tin tưởng và một ý niệm tích cực về động cơ của nhau", ông Biden nhấn mạnh.
Những bình luận công khai được dự liệu từ trước kể trên giảm nhẹ những căng thẳng sâu sắc đang bao trùm mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình đánh giá cao lợi ích của các quan hệ gắn bó hơn giữa hai bên khi ông nêu ra "những thay đổi sâu sắc và phức tạp" đang diễn ra ở châu Á và trên toàn cầu.
"Thế giới này, như một tổng thể, là không yên bình", ông Tập nói.
Nhưng bên trong những cánh cửa đóng kín, theo các quan chức Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc đã lập luận rằng việc nước ông xác lập vùng phòng không là thích hợp. Ông cũng nghiêm túc lắng nghe Phó Tổng thống Mỹ đưa ra lý lẽ nhưng không rõ những lời này có tác động ra sao.
Những tranh cãi liên quan đến chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp cùng vùng không gian phía trên đó đã phủ bóng chuyến công du kéo dài 6 ngày của ông Biden tới châu Á. Sau các cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc và trò chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp trong hôm nay (5/12), ông Biden sẽ tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc, một nước láng giềng khác có vùng phòng không chồng lấn với Trung Quốc.
Thanh Hảo (Tổng hợp)