Thêm các chi tiết về người và cơ quan bị tình báo Anh - Mỹ do thám vừa được đăng tải trên các báo Guardian, New York Times và Der Spiegel.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Các báo trên cho biết, danh sách mới gồm khoảng 1.000 mục tiêu, trong đó có một cao ủy của Liên minh châu Âu, các tổ chức nhân đạo và một thủ tướng của Israel.

{keywords}
Edward Snowden đã tiết lộ nhiều bí mật về chương trình do thám của Mỹ và Anh.

Các tài liệu bí mật này là do cựu nhà thầu an ninh Mỹ đào tẩu Edward Snowden rò rỉ. Chúng hé lộ hơn 60 nước đã trở thành mục tiêu của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Trụ sở Truyền thông chính phủ Anh (GCHQ).

Các thông tin mới công bố nhiều khả năng lại làm dấy lên lo ngại trên toàn thế giới về các hoạt động do thám mà Mỹ và Anh tiến hành. Trước đó, hồi tháng 10, tin tức về việc NSA đã theo dõi điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm nổ ra tranh cãi ngoại giao giữa Berlin và Washington.

New York Times đưa tin, GCHQ đã giám sát liên lạc của các lãnh đạo nước ngoài, gồm nguyên thủ châu Phi và đôi khi cả các thành viên gia đình họ - và các giám đốc của Liên Hợp Quốc cùng nhiều chương trình cứu trợ khác.

Báo này cho biết thêm, email của các quan chức Israel cũng bị giám sát, bao gồm một người được ghi là "Thủ tướng Israel". Thủ tướng Israel vào thời điểm đó, năm 2009, là Ehud Olmert.

Báo Guardian viết rằng, GCHQ đã nhắm tới chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc, Unicef, các tòa nhà chính phủ Đức và Cao ủy Cạnh tranh của EU, Joaquin Almunia.

Trong một thông cáo, Ủy ban châu Âu tuyên bố các cáo buộc nếu đúng "đáng phải nhận sự lên án mạnh mẽ nhất của chúng tôi".

"Đây không phải là kiểu cư xử mà chúng ta trông chờ từ các đối tác chiến lược, chứ đừng nói đến các quốc gia thành viên của chính chúng ta", trích đoạn thông điệp.

Ông Almunia, người Tây Ban Nha, phụ trách việc chấp thuận các liên doanh và điều tra tệ độc quyền. Ông từng va chạm với hãng Google của Mỹ.

NSA phủ nhận cáo buộc họ tiến hành do thám để giúp ích cho các doanh nghiệp Mỹ. Trong khi đó, GCHQ không bình luận trực tiếp trước các cáo buộc mới song khẳng định họ hoạt động "theo một trong những hệ thống kiểm tra và cân bằng chắc chắn nhất cùng trách nhiệm dân chủ về tình báo bí mật ở bất cứ nơi nào trên thế giới".

Hôm 19/12, một ủy ban của Nhà Trắng đã đề nghị áp dụng nhiều hạn chế lớn đối với các chương trình do thám điện tử của NSA.

Edward Snowden rời Mỹ hồi cuối tháng 5, mang theo một lượng lớn các tài liệu tối mật của chính quyền Washington. Anh này hiện đang tị nạn ở Nga và đối mặt với nhiều tội danh cho hành động của mình ở Mỹ.

Thanh Hảo (Theo BBC, Guardian)