TIN BÀI LIÊN QUAN:
Một số câu chuyện chủ đạo trong năm 2013 bắt nguồn từ sự tương tác của các cá nhân thách thức các thể chế, tổ chức hoặc nguyên trạng. Đôi khi họ thất bại thảm hại. Lúc khác họ lại rất thành công. Nhưng hầu hết họ đều tác động mạnh mẽ vào lịch sử, đổi hướng lịch sử theo một hướng khác.
Dưới đây là một số "ứng viên" mà Frida Ghitis, người phụ trách chuyên mục thế giới của báo Miami Herald và World Politics Review cho rằng đã đứng sau những sự kiện định hình năm 2013.
Edward Snowden
Edward Snowden vẫn chưa bước sang tuổi 30 khi anh ta vén rèm phơi bày sự thật
về quy mô do thám "khủng khiếp" của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Trong khi
NSA để mắt tới những thứ khác thì một cá nhân đơn lẻ ở giữa tổ chức này lại gây
ra một cơn chấn động.
Snowden bỏ việc ở NSA, mang theo hàng trăm nghìn tài liệu mật, hé lộ cách thức NSA thu gom hồ sơ các cuộc gọi điện thoại và email trên toàn cầu, thậm chí từ nhiều nhà lãnh đạo thế giới và đồng minh thân cận của Mỹ.
Những tiết lộ của Snowden đã "vạch mặt" một NSA có quyền gần như vô hạn, có khả năng biết được bí mật của bất cứ ai.
Là một anh hùng đối với một số người, là kẻ phản quốc trong mắt nhiều người khác, Snowden đã "sát hạch" mức độ xã hội sẵn sàng cho phép chính phủ do thám cuộc sống của người dân. Nếu Snowden không hành động thì hẳn nhiều người chẳng thế biết được chính phủ của họ đang làm gì.
Giáo hoàng
Hồi tháng 3, các hồng y giáo chủ Công giáo ở Rome đã chọn một linh mục
Argentine làm Giáo hoàng mới. Đây là lần đầu tiên trong gần 1.300 năm, Giáo
hoàng không phải là một người châu Âu.
Giáo hoàng Francis rất hiện đại. Ông thách thức các thế lực hùng mạnh truyền thống của Giáo hội, thường trực nụ cười rộng lượng trong khi phải đối mặt với vô vàn than phiền bất đồng đằng sau những bức tường Vatican.
Giáo hoàng Francis công khai chỉ trích nỗi ám ảnh của Giáo hội về đồng tính, nạo phá thai và kiểm soát sinh sản. Thay vào đó, ông khuyến khích người Công giáo chiến đấu chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Nổi tiếng là một người có cuộc sống giản dị, Giáo hoàng Francis thường tự thanh toán hóa đơn khách sạn và không sống tại ngôi biệt thự dành cho Giáo hoàng. Ông cũng thường đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng và mua vé máy bay hạng phổ thông.
Iran với Hassan Rouhani
Tranh cãi với Iran về chương trình hạt nhân của nước này đã bắt đầu một chương
mới khi cử tri nước Cộng hòa Hồi giáo chọn chính trị gia Hassan Rouhani làm Tổng
thống.
Nhà lãnh đạo mới này đã ngay lập tức chuyển sang giọng điệu và ngôn từ hòa giải. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi ngờ rằng liệu điều đó có dẫn đến những thay đổi thực sự.
Trên thực tế, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei mới là người có tiếng nói cuối cùng ở nước này. Sẽ không có gì xảy ra nếu không có sự đồng ý của ông. Hiện chưa rõ Khamenei có quyết định thay đổi các mục tiêu của chương trình hạt nhân Iran hay không.
Gần như 2 thập niên đã trôi qua kể từ khi Mỹ và các nước khác bắt đầu áp đặt cấm vận lên Iran, nhằm ngăn chặn những gì mà họ tin - còn Iran phủ nhận - là một chương trình vũ khí nguyên tử.
Iran và các cường quốc thế giới đã đạt một thỏa thuận tạm thời để làm chậm một số tiến bộ của Tehran trong vòng 6 tháng. Ở một góc độ nào đó, điều này tạo ra sự phấn khích nhưng ở các góc độ khác thì lại gây ngạc nhiên, đặc biệt vì Iran dường như đã tìm ra cách tiếp tục làm giàu uranium ngay cả khi Liên Hợp Quốc yêu cầu nước này dừng lại.
Vậy ai chiến thắng? Một số người cho rằng đó là Iran, nhờ vào Rouhani.
Barack Obama
Nói về chủ đề các cá nhân thách thức nguyên trạng, Tổng thống Mỹ Barack Obama
không phải là người bình thường. Nhưng ông đã khởi động một hệ thống rồi sau đó
tự giẫm lên mình trong đó.
Nếu như Obama có thể ghi điểm khi đối đầu với phe Cộng hòa trong bế tắc ngân sách khiến chính phủ Mỹ sụp đổ, thì những gì khiến ông vấp ngã đau nhất lại chẳng cần đến sự can thiệp của phe chỉ trích. Đó chính là việc triển khai chương trình chăm sóc y tế Obamacare đã diễn ra một cách tệ hại.
Khi người Mỹ vừa thôi lắc đầu về tình trạng tê liệt hoạt động của chính phủ, họ ngay lập tức chứng kiến thảm họa triển khai Obamacare mở ra. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho Obama sụt giảm mạnh.
Ở Syria, Obama hành động vụng về còn al-Assad vẫn tại vị
Khi năm 2012 sắp khép lại, dư luận đều thấy rằng những đau khổ mà người Syria phải chịu đựng còn lâu mới kết thúc. Nhưng ai mà đoán được rằng vào cuối năm 2013, chính quyền Syria lại càng vững chắc?
Sau khi kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức trong bối cảnh số người thiệt mạng vì chiến sự ở nước này tăng cao, Obama cùng với phần lớn các lãnh đạo phương Tây dường như không biết rõ phải làm gì tiếp nữa. Ông chủ Nhà Trắng lo rằng phe đối lập chống lại Assad sẽ tiến đến một chính quyền mới bị những người Hồi giáo cực đoan chi phối. Obama vạch ra một "ranh giới đỏ", tuyên bố việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học sẽ làm thay đổi tính toán của ông.
Sau đó, tấn công vũ khí hóa học diễn ra ở Syria và Obama tuyên bố Mỹ phải can thiệp. Nhưng ông nhanh chóng thay đổi lập trường và khiến mọi người ngạc nhiên khi thông báo sẽ chờ Quốc hội đồng ý về vấn đề này.
Nhưng tín hiệu đèn xanh của Quốc hội Mỹ lại trở nên không chắc chắn khi Ngoại trưởng John Kerry bình luận rằng can thiệp quân sự có thể không diễn ra nếu Tổng thống Assad trao nộp các vũ khí hóa học của Syria.
Đồng minh Nga của Syria đã chớp lấy ý kiến này và thực hiện một chiến dịch
ngoại giao mà rốt cuộc vừa giúp Assad không bị tấn công vừa giữ được thể diện
cho Obama về chính trị.
Thanh Hảo (Theo CNN)