Có lẽ không nhiều người biết rằng CHDCND Triều Tiên có một nền điện ảnh
riêng nhưng ngành công nghiệp này giữ vai trò của một cỗ máy tuyên truyền cho
nhà nước và cũng là một dự án tâm huyết của cố Chủ tịch Kim Jong-il.
TIN BÀI KHÁC:
Binh sĩ Triều Tiên thường được lệnh tham gia các vai phụ "miễn phí" trong các bộ phim về quân đội nước này. |
Kim Jong il là một người mê phim và đã đảm bảo cho ngành điện ảnh Triều Tiên có một nguồn ngân sách sung túc trong những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, ông được cho là không mấy hài lòng với chất lượng các bộ phim của đạo diễn trong nước.
Do vậy, Kim Jong-il đã ra lệnh bắt đạo diễn Shin Sang-ok của Hàn Quốc năm 1978 và ép ông này sản xuất phim phục vụ chế độ Bình Nhưỡng. Các bộ phim của Shing Sang-ok ở Triều Tiên rất nổi tiếng và được dân chúng yêu thích, trong đó phải kể đến các tác phẩm Runaway và Pulgasari.
Shin và vợ ông đã trốn thoát trong một chuyến đi tới Vienna năm 1986. Đạo diễn này tiếp tục sự nghiệp làm phim ở Mỹ và Hàn Quốc cho đến khi ông qua đời năm 2006.
Trong các bộ phim ở Triều Tiên, nhân vật tồi tệ nhất đều là người Mỹ. Nhiều diễn viên Triều Tiên được đào tạo tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Bình Nhưỡng. Nhưng vì là công cụ tuyên truyền nên nhiều bộ phim nước này cũng cần đến các nhân vật ngoại quốc, đặc biệt là người Mỹ, để đóng những vai phản diện, hung ác.
"Nếu [Triều Tiên] cần người ngoài đóng trong một bộ phim thì họ sẽ mời [người ngoại quốc] đang sống ở nước này", ông Schonherr - đồng đạo diễn phim với ông Shin - cho biết. "Có khá nhiều người, sinh viên nước ngoài, giáo sư và huấn luyện viên thể thao... có thể được mời và thường thì họ không từ chối. Và phần lớn họ là những diễn viên rất dở", ông Schonherr nói thêm.
Phim ở Triều Tiên đến với tất cả mọi người. Chúng được chiếu trong các nhà máy, nông trường tập thể và các doanh trại quân đội. Theo Tiến sĩ Mark Morris, một giảng viên tại Khoa Nghiên cứu châu Á và Trung Đông thuộc trường Đại học Cambridge, một người ở Triều Tiên không cần phải mua vé để xem bộ phim mình ưa thích mà họ sẽ được giới thiệu lịch chiếu để tiện theo dõi. Một chính ủy thường xuất hiện trên màn hình yêu cầu người xem đánh giá bộ phim nên "mọi người rất cẩn trọng khi đọc thông điệp chính trị của các phim", ông Morris cho biết thêm.
Thông điệp của phim thường là ca ngợi các lãnh tụ vĩ đại. Phim ảnh Triều Tiên có một số thể loại nhưng đều mang thông điệp giống nhau. "Mọi thứ đều tập trung ca ngợi Kim Il-sung, Kim Jong-il hoặc đảng theo cách nào đó", Simon FoSwler - một nhà phê bình điện ảnh và tác giả một blog chuyên về phim ảnh Triều Tiên - nhận xét. Tuy nhiên, dù nhấn mạnh tầm quan trọng của các lãnh đạo Kim Il-sung và Kim Jong-il, người xem sẽ hiếm khi thấy hai nhân vật này được mô tả thẳng trong phim. Thay vào đó, họ được ca ngợi một cách gián tiếp.
Mối quan hệ của Triều Tiên với các láng giềng và lịch sử cay đắng của nước này với Nhật Bản (nước đô hộ Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945) có nghĩa là các bộ phim về chiến tranh là một phần chủ chốt của chiến lược tuyên truyền.
Quân đội Triều Tiên cũng có một trung tâm chuyên sản xuất phim đề tài chiến tranh. "Họ cung cấp miễn phí binh lính cho các vai phụ cũng như các thiết bị cần thiết", ông Morris cho biết thêm.
Lynn Lee đã làm tư liệu về ngành công nghiệp điện ảnh Triều Tiên trong tác phẩm mang tên Nền điện ảnh vĩ đại của Triều Tiên (The Great North Korean Picture Show). Bà đã được cho phép tiếp cận một bộ phim về thời chiến "có một cảnh gồm hàng trăm binh sĩ" của đạo diễn Triều Tiên Pyo Hang. Trong phim tài liệu của Lee, những người lính trẻ tham gia các vai phụ bị Pyo Hang mắng nhiếc vì không diễn đạt mức độ đau buồn trong một cảnh mà họ bị buộc phải đầu hàng vũ khí cho quân Nhật. Cuối cùng, đạo diễn buộc phải dùng đến "phép thần thông" để khiến họ "khóc" - thuốc nhỏ mắt.
Mặc dù Triều Tiên luôn do nam giới lãnh đạo nhưng chương trình tuyên truyền của nước này lại có xu hướng nhấn mạnh đến các vai nữ, chẳng hạn như nữ vận động viên, nữ quân nhân, nữ gián điệp, thậm chí cả một nữ kiểm soát viên giao thông... Họ là "những phụ nữ mạnh mẽ, chăm chỉ, hy sinh bản thân cho lãnh đạo của mình", đạo diễn Schonherr mô tả. "Thông thường, phụ nữ phải dạy cho đàn ông cách trở thành một người noi gương tốt".
Nhưng dù phụ nữ có mạnh mẽ đến đâu thì cuối cùng họ vẫn biết vị trí của mình. "Những phụ nữ mạnh mẽ [trong phim] thường đi đến hôn nhân - cuộc sống của họ không được cho là vẹn toàn trước đó", ông Morris nhận xét.
Trong khi báo chí và Internet bị kiểm soát chặt chẽ thì các tác phẩm điện ảnh
nước ngoài đôi khi cũng tìm được đường vào Triều Tiên. Phim nước ngoài được
chiếu tại Liên hoan Phim Quốc tế Bình Nhưỡng - sự kiện diễn ra 2 năm một lần.
Trước kia có cả các tác phẩm của Anh như Mr Bean và Nữ hoàng Elizabeth: Thời
Hoàng kim. Evita cũng được cho là bộ phim duy nhất được chiếu ở Triều Tiên.
Ngoài Liên hoan Phim, hiếm khi người Triều Tiên có cơ hội xem phim nước ngoài.
Tuy nhiên, bộ phim hài về bóng đá "Bend it like Beckham" đã trở thành bộ phim
đầu tiên của phương Tây được chiếu trên truyền hình Triều Tiên năm 2010. Đây là
một phần nỗ lực ràng buộc với Bình Nhưỡng của Đại sứ quán Anh. Bộ phim được đánh
giá là đặc biệt phù hợp vì người Triều Tiên rất yêu bóng đá và đại sứ Anh ở Bình
Nhưỡng khi đó, Peter Hughes, nói rằng bộ phim dường như được đón nhận rất tốt.
Một số nhà làm phim nước ngoài được phép vào Triều Tiên đã cung cấp một cái nhìn vào cách thức các nhà kiểm duyệt nước này nghĩ gì.
Khi Lynn Lee và James Leong được cho làm bộ phim tài liệu về điện ảnh Triều
Tiên, họ phải tuân thủ hàng loạt quy định ngặt nghèo, trong đó có việc để cho
các nhà kiểm duyệt xem hình ảnh quay được vào cuối mỗi ngày.
Và họ có người đi kèm trong một mỗi chuyến thăm. Và đôi khi các nhà kiểm duyệt
cũng có những yêu cầu rất bất ngờ.
"Các nhà kiểm duyệt không thích người dân đi trên xe đạp hoặc những người chưa cài hết cúc áo", bà Lee kể. "Các cảnh có đường điện trên phố cũng bị cấm xuất hiện trong phim. Tôi nghĩ... họ muốn thành phố và người dân trông sạch sẽ, không được nhếch nhác. Tôi chỉ có thể đoán vậy chứ chúng tôi cũng chưa bao giờ gặp trực tiếp các nhà kiểm duyệt".
Một trong những quy định khắt khe nữa là về cách thức hình ảnh Kim Il-sung và Kim Jong-il được dàn dựng. "Các nhà kiểm duyệt không thích những cảnh có hình ảnh các lãnh đạo của họ được quay không đầy đủ. Chúng phải xuất hiện trọn vẹn. Nếu bạn cắt bỏ một phần hình ảnh hoặc một bức tượng thì hình ảnh đó sẽ bị loại", bà Lee cho biết thêm.
Thanh Hảo (Theo BBC)