Các tối hậu thư được đưa ra vừa nhanh vừa sống động trong những cuộc biểu tình đường phố đang diễn ra nhằm lật đổ chính quyền tạm thời do đảng Puea Thai lãnh đạo.


 {keywords}

Phe cứng rắn trong nhóm biểu tình chống chính phủ đe dọa chiếm thị trường chứng khoán và đài kiểm soát không lưu nếu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra không từ chức vào tối 15/1. Hạn chót trôi qua mà Thủ tướng không có bất cứ tuyên bố nào.

Sáng hôm sau (16/1), những người biểu tình không có mặt ở hai địa điểm trên mà thay vào đó tiến về Bộ Y tế và sở thuế quốc gia, buộc các nhân viên ở đây ngừng làm việc và tham gia cuộc biểu tình của họ.

Các tối hậu thư được đưa ra vừa nhanh vừa sống động trong những cuộc biểu tình đường phố đang diễn ra nhằm lật đổ chính quyền tạm thời do đảng Puea Thai lãnh đạo. Các tối hậu thư hầu như không được đáp ứng dường như cũng không làm sứt mẻ sự ủng hộ đối với lãnh đạo biểu tình, những người muốn tạo nên một khoảng trống quyền lực nhằm thiết lập "một hội đồng nhân dân" để thông qua cải tổ chính trị.

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban, cựu tổng thư ký đảng đối lập Dân chủ, đã đưa ra một thông điệp đáng chú ý cho Thủ tướng Yingluck trong cuộc gặp do quân đội làm trung gian vào tối 1/12 năm ngoái, sau khi người biểu tình định chiếm dinh Thủ tướng nhưng sau đó phải rút lui vì bị trúng hơi cay của cảnh sát.

Ông Suthep nói với những người ủng hộ rằng, ông đã cho Thủ tướng 48h để từ chức và thề sẽ không gặp lại bà Yingluck lần thứ hai. "Sẽ không có cuộc gặp nào nữa cho tới khi chúng ta giành chiến thắng".

Ngày 9/12, khi bà Yingluck giải tán Hạ viện dưới sức ép của hàng chục nghìn người biểu tình ở khắp các đường phố ở thủ đô, lại một lần nữa, ông Suthep ra tối hậu thư với Thủ tướng: bà Yingluck có 24h để từ chức. Thủ tướng sau đó tuyên bố, theo luật, bà không thể từ chức.

Kể từ cuối tháng 10, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ lần đầu tiên bùng phát ở Bangkok, ông Suthep đã tuyên bố, "chiến thắng của nhân dân" hơn 5 lần. Song, tới giờ, chưa lần nào thành hiện thực.

Các thành viên có quyền lực của giới quyền quý, trung lưu và lực lượng bảo hoàng ở Bangkok cũng như những người ủng hộ đảng Dân chủ đối lập ở miền nam - đều tẩy chay cuộc bầu cử 2/2 tới - đã cung cấp sức người và tiền cần có để cuộc biểu tình kéo dài 3 tháng có thể thu hút sự chú ý. Tuy nhiên, ông Suthep cũng vẫn duy trì được sự quan tâm của những người biểu tình bằng những tối hậu thư hợp thời và hùng hồn của mình.

"Các tối hậu thư được đưa ra để trấn an những người ủng hộ rằng chiến thắng đang cận kề, tất cả những gì cần làm hiện giờ là biểu tình thêm vài ngày nữa", nhà phân tích thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế là Matthew Wheeler cho biết. "Mục đích của các tối hậu thư dường như là duy trì sức ép trên đường phố với hy vọng quân đội hoặc các cơ quan độc lập sẽ là cơ chế để lật đổ chính phủ tạm quyền".

Tuy nhiên, trước sự thất vọng của người biểu tình, quân đội Thái tới giờ vẫn không đứng ra nắm quyền. Năm 2006, quân đội đã tiến hành một cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin, anh trai bà Yingluck. 

"Ông Suthep luôn thực hiện xuất sắc cái mà Mỹ gọi là những tuyên bố hùng hồn, đôi khi là những bình luận kích động, cho thính giả được nghe thứ mà họ muốn và khẳng định quan điểm hiện tại của họ", ông Wheeler nói.

Với khủng hoảng chính trị còn kéo dài, và những tuyên bố hùng hồn sẽ trở nên mạnh hơn nữa, do vậy, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều tối hậu thư sẽ được đưa ra, cái này tiếp theo cái kia đã hết hiệu lực.

  • Hoài Linh (Theo StraitsTimes)