Những chàng trai trẻ mặc vét đen, sơ mi trắng, cà vạt đỏ và đen cùng những chiếc cặp giống hệt nhau đi học. Tất cả đều được chính quyền Kim Jong Un tuyển chọn kỹ càng để tiếp nhận nền giáo dục phương Tây.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}

Các thanh niên trên đều là tinh túy của chính quyền Triều Tiên tương lai, BBC cho biết trong một phóng sự mới về trường đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), trường đại học tư duy nhất của Triều Tiên.

Một ngày mới của các chàng trai bắt đầu khá sớm, với tập thể dục lúc 6h30 và một thời khóa biểu học tập rất nghiêm khắc.

Có khoảng 500 sinh viên tại PUST, phần lớn đều trong độ tuổi 20 và được cho là con trai của một số nhân vật có thế lực ở Triều Tiên. Phụ nữ không được phép học ở đây.

Đại học Khoa học và công nghệ Bình Nhưỡng mở cửa vào 2010 với 35 tỷ won đóng góp của các tổ chức từ thiện Hàn Quốc và Mỹ. Mọi môn học ở đây đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Chủ nghĩa tư bản là một trong số các môn được giảng dạy.

"Tôi dám chắc lãnh đạo và chính phủ Triều Tiên biết họ cần kết nối với thế giới bên ngoài", Colin McCulloch, giáo viên dạy môn kinh doanh nói. "Triều Tiên không thể có một nền kinh tế đóng cửa, khép kín hoàn toàn trong thời hiện đại".

"Lòng yêu nước là một truyền thống", một sinh viên 20 tuổi, năm thứ nhất cho biết. "Những bài ca mà chúng tôi hát khi hành quân là để cảm ơn lãnh tụ vĩ đại của chúng tôi". Một sinh viên khác nói thêm: "Chúng tôi muốn Triều Tiên phồn vinh, là một quốc gia hùng mạnh. Chúng tôi phục vụ đất nước trước rồi mới tới bản thân".

Lứa sinh viên đầu tiên của trường sẽ tốt nghiệp vào tháng 5 năm nay. "Chúng tôi hy vọng những chàng trai trẻ đã theo học tại đây sẽ trở thành những người dám đặt câu hỏi, và trở thành những người sẽ đưa ra các câu hỏi đúng đắn về hệ tư tưởng, về chế độ, về cách mà đất nước được tổ chức", Lord Alton, chủ tịch Hội các đảng phái quốc hội về Triều Tiên, đồng thời là người bảo trợ cho trường nói.

Sinh viên tại PUST được học về kinh tế, nông nghiệp và các kỹ thuật công nghệ để làm lợi cho xã hội Triều Tiên. Một phòng khám nha khoa hiện đại hiện diện trong trường đồng nghĩa với việc một số sinh viên lần đầu tiên trong đời sẽ được trị bệnh không đau.

Người sáng lập kiêm hiệu trưởng của PUST là Tiến sĩ James Chin-Kyung Kim, nói: “Trong trường, chúng tôi thực sự tự do. Họ không bao giờ bảo tôi không được làm cái này, không được làm cái kia".

Tuy nhiên, với đội quay phim của BBC thì các hoạt động của họ bị giám sát và có một số khu vực nhất định bị cấm vào.

Theo BBC, những người phụ trách trường muốn trang bị cho sinh viên các kĩ năng để hiện đại hóa đất nước lạc hậu và kết nối với cộng đồng quốc tế, song sinh viên ở đây dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài. Kết nối với internet bị kiểm soát chặt và sinh viên không thể truy cập mạng xã hội hay trang tin tức ngoại quốc nào.

Tại một phòng học, một phóng viên BBC nói với các sinh viên "hãy giơ tay nếu bạn từng nghe nói tới Michael Jackson" song không một cánh tay nào giơ lên. Một sinh viên còn hỏi: "Michael Jackson là ai? Tổng thống của các vị à?"

Khi được hỏi tại sao Triều Tiên quá chậm phát triển, một sinh viên khác trả lời: "Đế quốc Mỹ cô lập nước của chúng tôi. Đó là lý do chính". Tuy nhiên, thanh niên này rất tò mò về thế giới bên ngoài. "Chúng tôi học ngoại ngữ...học một ngôn ngữ là học một văn hóa. Tôi muốn tìm hiểu thêm". Tuy nhiên, câu chuyện bị cắt ngang khi một bảo vệ đi qua và đưa sinh viên trên đứng sang một bên. 

Sandralee Moynihan, một giảng viên tại PUST hồi tháng 12 năm ngoái cho biết, cuộc sống ở trường đại học này bị hạn chế và ngay cả giảng viên cũng không thể đi dạo trong công viên.

  • Hoài Linh (Theo Chosun, Independent)