Nếu được toàn Nghị viện châu Âu đồng ý, sắp tới ở châu lục này, người mua dâm - chứ không phải người bán dâm - sẽ bị phạt nặng.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Đức và Hà Lan là hai quốc gia ở châu Âu hợp pháp hóa kinh doanh mại dâm. Ảnh chụp từ một nhà thổ ở Berlin, Đức. Ảnh: Global Post

Ủy ban về quyền phụ nữ và bình đẳng giới của Nghị viện châu Âu vừa nhất trí với đề xuất áp dụng mô hình pháp luật phòng chống mại dâm của Bắc Âu ra toàn châu lục.

Đề xuất do bà Mary Honeyball, nghị sĩ châu Âu đến từ Công đảng Anh đưa ra. Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) sẽ học theo cách chống mại dâm của Thụy Điển, trừng phạt các khách hàng của ngành công nghiệp này, thay vì những người bán dâm.

Theo mô hình Bắc Âu, các hoạt động dắt mối, lập nhà thổ cũng bị coi là tội phạm. Trong khi đó, những người bán dâm không bị coi là tội phạm và được cung cấp các dịch vụ trợ giúp.

Mô hình Bắc Âu đã tỏ ra cực kỳ thành công trong khối Scandinavia, bao gồm những quốc gia có mức độ bình đẳng giới cao, cũng như nhận thức đầy đủ của người dân về tính chất bóc lột của ngành công nghiệp tình dục. Nó được chính những người đã sống sót khỏi nạn mại dâm và buôn người ủng hộ.

"Trong khi đó, những nước đã hợp pháp hóa mại dâm, như Hà Lan và Đức, ngày càng nhận ra là họ đã sai lầm" - đại diện một tổ chức đấu tranh vì quyền bình đẳng có tên Equality Now nhận định.

14 thành viên Nghị viện châu Âu trong ủy ban này đã bỏ phiếu tán thành, chỉ có hai phiếu chống và 6 phiếu trắng. Tiếp theo, đề xuất này sẽ được đưa ra để toàn bộ Nghị viện châu Âu xem xét thông qua.

Nhận định về kết quả bỏ phiếu, bà Honeyball nói: "Châu Âu rõ ràng đã tiến gần hơn đến việc nhìn nhận những điều bất công cơ bản trong việc một người đàn ông bỏ tiền ra mua thân thể một người phụ nữ”.

"Phần lớn phụ nữ hành nghề mại dâm ở Anh hiện nay là người nước ngoài. Họ đều đến từ những nước nghèo, nhiều người là bị bán sang đây. Thay vì tiếp tục giả bộ rằng mua dâm chỉ xảy ra khi có sự đồng thuận của cả hai bên, ta cần nhìn thẳng vào thực tế về tính chất ép buộc và bóc lột của nền công nghiệp tình dục trên toàn cầu” - nữ nghị sĩ Anh nói.

Còn theo Equality Now, kết quả bỏ phiếu cho thấy "đã có người lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân của nạn buôn người và bóc lột tình dục để đưa vào các chính sách”.

Nghị viện Pháp mới đây cũng đã thông qua việc áp dụng mô hình này. Đạo luật mới khép bất cứ ai ở Pháp bị phát hiện trả tiền để mua tình dục vào mức phạt 1.500 euro nếu là lần đầu. Tái phạm lần hai sẽ bị phạt gấp đôi.

“Với việc Pháp và Ireland chuyển trọng tâm xử lý sang nam giới mua dâm, còn Đức xem xét lại hệ thống kinh tế hoàn toàn tự do của mình, rõ ràng gió đang đổi chiều theo mô hình Thụy Điển" - bà Honeyball nhận định.

Chung Hoàng (Theo International Business Times)