Hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã trở lại bên ngoài văn
phòng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra ở Bangkok hôm 17/2, chỉ vài ngày sau khi cảnh sát
giải tán họ khỏi khu vực.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Mục đích của phe đối lập là không cho bà Yingluck trở lại văn phòng, ngay cả khi họ có nguy cơ đối đầu với cảnh sát.
Hơn 10.000 người biểu tình chống chính phủ đã tái chiếm các đoạn đường chính bên ngoài văn phòng Thủ tướng để thể hiện quyết tâm của họ.
Cuối tuần trước, cảnh sát Thái Lan đã được điều động vào khu vực người biểu tình chiếm giữ nhiều tuần để giải tán họ.
Bà Yingluck hy vọng trở lại văn phòng để làm viêc trong ngày 19/2 song trước đó 2 hôm, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã thách thức chính phủ khi huy động những người ủng hộ tái chiếm các đoạn đường chủ chốt.
Bộ trưởng Lao động Chalerm Yubamrung, người đứng đầu trung tâm các chiến dịch an ninh của chính phủ phụ trách việc giám sát thực thi sắc lệnh khẩn cấp, tuyên bố sẽ dọn sạch tất cả các địa điểm biểu tình trong những ngày tới.
Chính phủ Yingluck đã quyết định tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 2/2 trong nỗ lực tháo ngòi khủng hoảng chính trị. Tuy nhiên, kết quả bầu cử còn dở dang do Đảng Dân chủ đối lập tẩy chay và bị người biểu tình ngăn chặn. Họ đã khiến cho các ứng viên của 28 khu vực bầu cử, chủ yếu ở miền Nam, không thể đăng ký tranh cử.
Ủy ban Bầu cử và các bộ trưởng chính phủ đã cố gắng nhưng bất thành trong việc định ra ngày bỏ phiếu khác ở các khu vực kể trên.
Biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan nổ ra hồi tháng 11 năm ngoái, sau khi Đảng Pheu Thai của Thủ tướng Yingluck thông qua một dự luật ân xá mà theo đó anh trai bà, cựu Thủ tướng đang sống lưu vong Thaksin Shinawatra, có thể trở về nước. Thượng viện Thái Lan đã vô hiệu hóa dự luật song biểu tình vẫn tiếp diễn. Người biểu tình tiếp tục theo đuổi yêu sách đòi chính quyền Yingluck từ chức.
Biểu tình triền miên đã khiến kinh tế Thái Lan giảm tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm 2013. Trước kia, nền kinh tế lớn thứ 2 ở Đông Nam Á đã phục hồi nhanh sau một số thảm họa tự nhiên và biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng mới nhất đã làm cho nhiều nhà đầu tư cảnh báo viễn cảnh của đất nước này đang đứng trước rủi ro.
Thanh Hảo (Tổng hợp)