Tập trận quân sự hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc luôn khiến Triều Tiên phản ứng dữ dội. Nhưng các nhà phân tích cho rằng diễn biến trong năm nay sẽ có chiều hướng khác biệt.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Cuối tháng này, Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận quân sự hàng năm quanh bán đảo Triều Tiên. Tập trận vào cùng kỳ năm ngoái đã dẫn tới hai tháng căng thẳng khi Triều Tiên một mực phản đối cuộc tập trận chung diễn ra ngay sát lãnh thổ của họ. Những lời lẽ đe dọa nặng nề của Bình Nhưỡng trong năm 2013 đối với Mỹ và Hàn Quốc đã dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột tiềm tàng, nhưng rồi tập trận vẫn diễn ra mà không có sự vụ gì. 

{keywords}
Mỹ và Hàn Quốc tập trận Đại bàng Non vào tháng 2/2013

Năm nay chiều hướng có thể diễn ra tương tự: Triều Tiên đe dọa hủy các cuộc đoàn tụ gia đình bị chia rẽ vì chiến tranh. Bình Nhưỡng cáo buộc Mỹ cho máy bay ném bom B-52 bay sát bán đảo Triều Tiên. 

Để làm dịu tình hình, quân đội Mỹ đã giảm quy mô tập trận tháng này. Con số binh sĩ Mỹ tham dự sẽ ít hơn. Năm ngoái, có khoảng 10.000 binh sĩ Mỹ tham gia tập trận Đại bàng Non và khoảng 2.100 người tham gia Giải pháp Then chốt.  

Phàn nàn của Triều Tiên

Triều Tiên chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, vì coi đó là các hoạt động tập dượt để xâm lược lãnh thổ của họ. Năm ngoái, Bình Nhưỡng dọa tấn công hạt nhân phủ đầu vào Mỹ và rút khỏi thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt chiến tranh Liên Triều 1953.

Năm nay, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố như vậy. Hôm 27/1, tờ Lao động Tân văn của Triều Tiên đăng bài báo, trong đó có đoạn: “Mỹ đang ra sức khởi động lại một cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn vào năm nay với mục đích leo thang tiến tới tấn công hạt nhân phủ đầu [vào Triều Tiên]”.

Triều Tiên cũng yêu cầu hủy cuộc tập trận. Trong cuộc họp báo hôm 24/1, Đại sứ Triều Tiên Sin Son Ho tại Liên Hợp Quốc nói rằng nếu như các cuộc tập trận này vẫn tiếp diễn, tình hình có thể ‘rơi khỏi tầm kiểm soát và chìm ngập vào thảm họa không thể tưởng tượng nổi’.

Dù Bình Nhưỡng lên tiếng chính thức lo ngại về cuộc tập trận, các nhà phân tích nói rằng hoạt động quân sự quy mô lớn do nước ngoài tiến hành ở nước láng giềng có thể có lợi cho hoạt động tuyên truyền của Triều Tiên.

Ông Kim Yong-hyun tại Đại học Dongguk nhận định: Triều Tiên sử dụng các đe dọa từ bên ngoài để hợp thức cho nhà nước và các chính sách quân đội trước tiên. “Triều Tiên sử dụng các cuộc tập trận này để củng cố sự ủng hộ trong nước, bằng cách làm nổi bật các mối đe dọa mà đất nước đang đối mặt”.

Khả năng xung đột

Các cuộc tập trận thường tạo nên lo ngại rằng chiến tranh có thể nổ ra bất kỳ lúc nào, rằng chỉ một sai lầm ở mỗi bên cũng có thể dẫn tới phản ứng thái quá. Mặc dù các cuộc tập trận ‘có bản chất là phòng vệ, nếu như một điều gì đó xảy ra như là trả đũa của quân đội Triều Tiên thậm chí chỉ là sơ ý, tập trận vẫn có thể dẫn tới đụng độ quân sự’ – nhà nghiên cứu Paik Hak-soon tại Học viện Sejong phân tích.

Vụ nã pháo vào đảo Yeonpyeong năm 2010 xảy ra đúng dịp Hàn Quốc tập trận quân sự mà trước đó Triều Tiên đã yêu cầu Seoul hủy.

Dù không loại trừ khả năng xung đột có thể xảy ra, các nhà phân tích chỉ ra rằng nguy cơ trong năm nay thấp hơn so với năm ngoái. “Có nhiều dấu hiệu thú vị từ cả các bên, rằng tập trận năm nay sẽ không tệ như năm ngoái” – Giáo sư Stephan Haggard thuộc Đại học California San Diego nói.

Một trong những dấu hiệu đó là Mỹ quyết định giảm quy mô vũ trang sử dụng trong tập trận lần này, không có hàng không mẫu hạm hay máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân.

“Hy vọng Bình Nhưỡng sẽ coi đây là một dấu hiệu và tránh các khiêu khích có thể dẫn tới leo thang và các tính toán sai lầm” – bình luận của ông Duyeon Kim, học giả cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến Vũ khí tại Washington.

Giáo sư Haggard cho rằng việc sử dụng các loại khí tài hạng nặng như năm 2013 là ‘phản tác dụng’. “Chẳng ai rõ là sự hiện diện lực lượng lớn hơn có thêm giá trị nào vào khả năng phòng thủ vốn đã ổn định hay không”.

Tình trạng lắng dịu có bị khuấy đảo?

Nếu êm xuôi, các cuộc đoàn tụ hai miền vào tháng này có thể sẽ diễn ra sau hơn 4 năm quan hệ đôi bên lạnh nhạt và chuyển giao quyền lực nhạy cảm ở Bình Nhưỡng.

Các cuộc đoàn tụ này dự kiến diễn ra từ ngày 20-15/2, gần với thời điểm tập trận Đại bàng Non. Điều này dấy lên nghi ngờ về khả năng lịch trình có nguy cơ bị thay đổi.

Tuy nhiên, giáo sư Charles Armstrong thuộc Đại học Columbia cho rằng xích mích vì tập trận Mỹ - Hàn có thể không đảo ngược tiến triển trong quan hệ giữa hai miền của bán đảo Triều Tiên.

“Những lời kêu gọi cải thiện quan hệ Triều – Hàn có vẻ như là thật, và dù rằng Triều Tiên có mong muốn là các cuộc tập trận đều bị hủy, một môi trường nói chung ít sự gây hấn sẽ có lợi hơn cho việc nối lại tình hữu nghị giữa hai miền” – ông Armstrong nói.

Nhưng không ai dám chắc cải thiện quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng sẽ duy trì lâu dài, vì đôi bên vẫn không có tiếng nói chung về việc nối lại hoạt động du lịch tại khu nghỉ dưỡng Mt. Keumgang ở Triều Tiên. Hơn nữa, chính quyền Tổng thống Park Geun-hye ở Seoul vẫn tiếp tục yêu cầu Triều Tiên phải có các biện pháp phi hạt nhân hóa trước khi đối thoại thực chất giữa đôi bên có thể tiến hành.

Lê Thu (theo CSMonitor)