Những người biểu tình tuần hành trong nhiều tháng nhằm lật đổ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã chuyển sự giận dữ của họ sang các doanh nghiệp liên quan tới gia tộc giàu có của bà vào hôm thứ Năm (20/2).
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Các nhân viên của SC Asset quan sát người biểu tình bên ngoài tòa nhà Shin ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: AP) |
Chính phủ của bà Yingluck dường như ngày càng bị bó hẹp bởi phe đối lập và hệ thống tự pháp, thiếu quyền hạn tài chính để tài trợ cho các chính sách quan trọng và được cảnh báo bởi một tòa án vào hôm thứ Tư (19/2) rằng họ không thể sử dụng tình trạng khẩn cấp để giải tán người biểu tình.
4 người biểu tình và 1 nhân viên cảnh sát đã thiệt mạng vào hôm thứ Ba (18/2), trong vụ đụng độ chết chóc nhất kể từ khi tình trạng bất ổn bùng phát vào tháng 11 năm ngoái, khi cảnh sát cố gắng giành lại các vị trí gần tòa nhà chính phủ, vốn bị chiếm đóng trong nhiều tuần qua.
Những người biểu tình đang tìm cách để lật đổ bà Yingluck và dập tắt cái mà họ coi là ảnh hưởng xấu của anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Khoảng 500 người biểu tình đã tập trung bên ngoài văn phòng của Tập đoàn SC Asset, một nhà phát triển bất động sản do gia đình Shinawatra điều hành, vẫy quốc kỳ và huýt sáo.
"Chúng tôi sẽ cản trở mọi công việc làm ăn của nhà Shinawatra," lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuba nói với những người ủng hộ tại một cuộc mít-tinh vào hôm 19/2. "Nếu các bạn yêu nước, hãy ngừng sử dụng các sản phẩm của Shinawatra và làm mọi thứ bạn có thể để khiến các doanh nghiệp của họ thất bại."
Được biết, bà Yingluck là người điều hành của công ty này trước khi chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2011.
Cổ phiếu của SC Asset đã giảm 5% vào hôm 20/2 sau nhiều ngày sụt giảm liên tiếp. Cổ phiếu tại Tập đoàn M-Linhk Asia, một nhà phân phối điện thoại có liên quan tới gia tộc Shinawatra, cũng đã giảm 10% trong hai ngày qua.
Các rắc rối tiếp tục trút xuống bà Yingluck, người đứng đầu một chính phủ lâm thời với quyền lực giới hạn kể từ khi kêu gọi một cuộc bầu cử vào tháng 12 năm ngoái. Cuộc bỏ phiếu vào hôm 2/2 đã bị gián đoạn và rất có thể một chính phủ mới có thể được thay thế trong vài tháng nữa.
Một cơ quan chống tham nhũng tuần này đã cáo buộc bà Yingluck trục lợi bất chính từ một chương trình hỗ trợ giá lúa gạo (mua gạo của nông dân giá cao hơn giá thị trường).
Hơn 1.000 nông dân, trong đó nhiều người lái xe tải, tiến tới thủ đô Bangkok vào hôm thứ Năm.
Chada Thaiseth, một cựu thành viên quốc hội cho biết ông sẽ dẫn những người nông dân tới sân bay Suvarnabhumi của Bangkok.
"Chúng tôi không chắc chúng tôi sẽ dựng trại ở đâu, nhưng chúng tôi sẽ không rời khỏi thủ đô cho tới khi được trả tiền cho mỗi hạt gạo mà chúng tôi đã bán cho chính phủ," ông Chada tuyên bố.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những người nông dân có ý định tới biểu tình tại sân bay, nơi bị những người ủng hộ chế độ quân chủ - phe áo vàng chống ông Thaksin vào năm 2008 - chiếm đóng trong 8 ngày, hay không.
Sầm Hoa (Theo Reuters)