Nga tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ hành động nào mà Mỹ và châu Âu có thể thực
hiện để áp đặt cấm vận lên Moscow liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Năm ngoái, lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã tới thăm một nhà máy lắp ráp Nga cho liên minh hợp tác giữa Renault-Nissan với AvtoVAZ.
Châu Âu sẽ hứng đòn nặng nhất. Nga là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU sau Mỹ và Trung Quốc, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn 500 tỷ USD được trao đổi trong năm 2012. Theo Ủy ban châu Âu, khoảng 75% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Nga xuất phát từ các thành viên EU.
Nga là nguồn cung cấp năng lượng đơn lẻ lớn nhất cho EU, và điều đó được phản ánh trong mối quan hệ thân thiết giữa các công ty dầu lửa khí đốt Nga và châu Âu.
Hãng năng lượng Anh BP sẽ bị ảnh hưởng lớn trước bất kỳ một động thái nào từ Moscow nhằm thâu tóm các tài sản của phương Tây. BP là cổ đông lớn thứ 2 trong Rosneft, công ty dầu lửa hàng đầu Nga, và các cổ phần của hãng này đã chịu tác động nặng nề vào ngày 3/3 sau khi khủng hoảng Ukraina leo thang vào cuối tuần trước.
Tập đoàn Fortum của Phần Lan cũng đã bị tác động bởi lo ngại quanh các hoạt động mở rộng của hãng ở Nga. Một số công ty năng lượng lớn nhất ở Đức, Hàn Lan và Pháp đang đầu tư vào một liên doanh với gã khổng lồ khí đốt Nga Gazprom.
Tuy nhiên, tác động của việc Nga trả đũa không chỉ giới hạn ở lĩnh vực năng lượng mà còn lan tới các ngành như bia rượu, bán lẻ và sản xuất ôtô.
Tập đoàn Carlsberg của Đan Mạch có 10 nhà máy bia ở Nga và chiếm 39% thị trường nước này.
Trong lĩnh vực ôtô, Renault-Nissan có một thỏa thuận với AvtoVAZ, một hãng sản xuất ôtô lớn ở Nga, nước mà Metro của Đức cũng đang vận hành một công ty phân phối lớn.
Và tuy mối quan hệ thương mại của Nga với Mỹ không lớn bằng với châu Âu (xuất khẩu của Mỹ sang Nga chiếm chưa đầy 0,1% GDP của Mỹ), thì một số thương hiệu lớn cũng sẽ chịu thiệt hại từ cấm vận của Nga. Exxon Mobil có nhiều hoạt động ở Nga, McDonald's vận hành hơn 400 nhà hàng trên toàn nước này còn PepsiCo sở hữu một công ty các sản phẩm bơ sữa và thức ăn trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng các lệnh cấm vận khắt khe nhằm vào trao đổi hàng hóa hoặc năng lượng là rất nhỏ, vì những thiệt hại mà chúng gây ra cho cả hai phía.
Và nếu một cuộc chiến thương mại thực sự nổ ra thì Nga sẽ thiệt hại nhiều hơn so với phương Tây.
"Những thiệt hại mà Nga gây ra cho chính mình bằng các đòn cấm vận sẽ vượt quá những thiệt hại họ gây ra cho phương Tây. Điều đó sẽ khiến Nga khó mà duy trì chúng trong thời gian dài", trích bình luận của Christian Schulz, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Đức Berenberg.
Thanh Hảo