Hội đồng Tối cao của Crưm đã thông qua nghị quyết về Tuyên ngôn độc lập của Cộng hòa Tự trị Crưm và thành phố Sevastopol vào ngày 11/3. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Crưm xin được sáp nhập vào Nga

{keywords}
Crưm thành lập lực lượng tự vệ riêng của khu tự trị. Ảnh: BI
Theo đó, nếu cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/ 3/2014 thông qua quyết định về việc gia nhập Nga, Crưm sẽ được tuyên bố là một quốc gia độc lập và có chủ quyền với hình thức chính thể cộng hòa. 

Khi đó, Crưm sẽ có đề nghị về việc sát nhập Cộng hòa Crưm vào thành phần Liên bang Nga trên cơ sở một thỏa thuận liên quốc gia với tư cách một chủ thể mới của Liên bang Nga. 

Nếu thành công, đây sẽ là một sự kiện chưa từng có trong địa chính trị hiện đại. Động thái này không phù hợp với Hiến pháp Nga và Ukraina. Tuy nhiên, đây có thể là một tiền lệ cho một khu vực trực thuộc một quốc gia bỏ phiếu để trở thành một nhà nước độc lập. 

Theo Hiến pháp năm 2004 của Ukraina, quyết định của Quốc hội Crưm tiến hành trưng cầu dân ý để trở thành một phần của Liên bang Nga là vi hiến. 

Bản Hiến pháp của Ukraina tuyên bố rằng bất kỳ sự thay đổi nào về mặt lãnh thổ của Ukraina sẽ chỉ được định đoạt khi toàn bộ người dân Ukraina tiến hành bỏ phiếu. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa có đề xuất nào về việc bỏ phiếu biểu quyết tương lai của Crưm trên toàn lãnh thổ Ukraina. 

Tương tự, một bộ luật năm 2001 của Nga cũng phủ nhận bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý tổ chức tại Crưm nhằm định đoạt số phận của cộng hòa tự trị này. Luật này cho phép thành lập một vùng mới tại Nga trên lãnh thổ từng sáp nhập chỉ trong trường hợp duy nhất: đó là nếu có một thỏa thuận với chính phủ mà vùng lãnh thổ này đang ly khai. 

Hiện đang có một nỗ lực nhằm vô hiệu hóa luật này trước kỳ bầu cử tại Crưm. Hôm 28/2/2014, lãnh đạo đảng Nước Nga công bằng là Sergei Mironov đã đệ trình một dự thảo luật cho Duma Quốc gia Nga, trong đó cho phép Nga sáp nhập vùng lãnh thổ, dù cho điều này không đúng với thỏa thuận quốc tế trong hai trường hợp: nếu như công dân của ‘vùng ly khai’ bỏ phiếu gia nhập Nga trong một cuộc trưng cầu dân ý, hoặc chính quyền hợp pháp của vùng lãnh thổ gửi đơn thỉnh cầu tới Nga. 

Đơn thỉnh cầu này đã có: hôm 6/3, Quốc hội Crưm đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin về việc liệu Nga có sẵn lòng sáp nhập Crưm. 

Và cũng không mấy ai nghi ngờ việc cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 sẽ khẳng định mong muốn của Crưm gia nhập Nga. 

Ông Mironov nói rằng Duma Quốc gia Nga có thể thông qua dự thảo của ông vào tuần tới. 

{keywords}

Một quân nhân Ukraina nhìn những người mang quân phục được cho là lính Nga, đi ngang qua căn cứ quân sự Ukraina tại làng Perevalnoye, ngoại ô Simferopol, hôm 6/3/2014. Ảnh: BI

Câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu cộng đồng quốc tế có công nhận quyết định của Nga là hợp pháp hay không, hay là những quyết định như vậy phù hợp với luật quốc tế ở mức độ nào. 

Điều tương đối rõ ràng là cộng đồng quốc tế khó có thể công nhận việc Crưm sáp nhập vào Nga. Nhưng, việc hành động như vậy có phù hợp với luật quốc tế hay không còn phức tạp hơn nhiều. 

Theo Maxim Bratersky thuộc Trung tâm Nghiên cứu toàn diện châu Âu và Quốc tế tại Đại học Kinh tế Moscow, luật quốc tế hiện hành gồm có hai nguyên tắc mâu thuẫn nhau: một là sự toàn vẹn lãnh thổ của một chính quyền, và hai là quyền tự quyết của một quốc gia.   

Vào năm 2008, phương Tây công nhận độc lập của Kosovo sau khi tách khỏi Serbia dựa trên nguyên tắc quyền tự quyết của một quốc gia. “Kosovo là một hình ảnh thu nhỏ của tình hình tại Crưm hiện nay” – ông Bratersky nói. 

“Khi gửi quân tới Kosovo, NATO không cho phép người Serb can thiệp vào việc trưng cầu dân  ý. Liên Hợp Quốc không ủy quyền cho lực lượng của NATO gửi quân tới Kosovo”.  

Tại một thời điểm, ông Putin cho rằng Tổng thống Kosovo nguy hiểm, gợi lại các vấn đề tương tự từng tồn tại ở Tây Ban Nha và Bỉ. Nhưng đến năm 2008, Moscow rốt cuộc lại công nhận độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia. Hiện vẫn chưa rõ ông Putin sẽ xử lý vấn đề tại Crưm như thế nào. 

Nếu Moscow sẵn lòng công nhận Crưm là một thực thể của Liên bang Nga, đây sẽ là một tình trạng chưa từng có. 

Bratersky nhận định rằng việc một quốc gia sáp nhập phần lãnh thổ của một chính phủ khác mà không có thỏa thuận với chính phủ của đất nước mà ‘phần lãnh thổ đó’ đang ly khai chưa từng xảy ra kể từ khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh.  

Điều này từng diễn ra khi có thỏa thuận chung. Năm 1997, Vương quốc Anh trao trả HongKong trở về Trung Quốc.  

Năm 1999, Đông Timor trở thành một chính phủ độc lập khi tách khỏi Indonesia sau một cuộc bỏ phiếu với sự giám sát của Liên Hợp Quốc. 

Năm 2011, Nam Sudan cũng tuyên bố độc lập sau khi tách khỏi Sudan với cách thức gần giống như vậy. Theo Bratersky, thực tế Đông Timor và Nam Sudan tuyên bố độc lập với sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc đã khiến cho các chính quyền trên hoàn toàn hợp pháp xét trên khái cạnh của luật quốc tế. 

“Nhưng tựu chung lại, hệ thống luật quốc tế không phải lúc nào cũng vận hành như kỳ vọng. Bên nào có nhiều lưỡi lê nhất thì bên đó thắng” – Bratersky nói. “Kosovo là ví dụ điển hình cho điều này. Tuy nhiên, vẫn đề vẫn nằm ở chỗ luật quốc tế vẫn chưa thích ứng nhiều so với thực tiễn”.  

Cho tới nay, thực tế thế kỷ 21 cho thấy một vùng lãnh thổ có quyền trở nên độc lập hay tự quyết số mệnh của mình vẫn phụ thuộc vào sức mạnh và vị thế của người bảo trợ cho vùng đất đó trong cộng đồng quốc tế. 

Lê Thu (theo Gazeta)