Khủng hoảng chính trị ở Ukraina đã dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng trong quan hệ Nga – Mỹ. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này nằm ẩn sâu trong chính sách của Mỹ với Kiev sau khi Liên Xô sụp đổ.

TIN LIÊN QUAN

Theo Ria Novosti, trong những năm đối đầu hai cực, Mỹ từng tích cực cổ vũ cho những tư tưởng ly khai trên lãnh thổ Liên Xô cũ, nhưng ban đầu Mỹ chưa sẵn sàng cho việc xuất hiện một quốc gia độc lập Ukraina.

Năm 1991, Tổng thống Mỹ Bush "cha" còn cảnh báo Kiev không để một kịch bản như thế diễn ra. Nhưng khi sự xuất hiện một Ukraina có chủ quyền trở thành hiện thực, thì định hướng Ukraina trong chính sách đối ngoại của Mỹ lại hoàn toàn khác hẳn.

{keywords}

Chủ quyền của Ukraina trong cách nhìn nhận của giới cầm quyền Mỹ có nghĩa là, phải làm suy yếu Nga cả về kinh tế lẫn chính trị. Thực tế, Ukraina bao giờ cũng được Mỹ coi là “một phần của Nga, tách ra khỏi Nga”, giống như “chiến lợi phẩm” thu được trong quá trình “Chiến tranh Lạnh” (tuy ở cấp chính thức, điều này bị phủ nhận).

Ngoài ra, trong những năm 1990, trong giới thương lưu chính trị Mỹ đã hình thành một ý kiến kiên định rằng khôi phục một nước Nga lớn, lịch sử nhất định không thể thiếu liên kết với Ukraina.

Một trong những chính trị gia nổi tiếng đại diện cho trào lưu này ở Mỹ chính là Zbignev Bzhezinski, cựu Trợ lý an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ. Những người ủng hộ quan điểm này (họ không nổi tiếng, nhưng đôi khi họ lại quyết định đường lối đối ngoại của Mỹ) có lập trường mạnh mẽ ở Nhà Trắng, cũng như ở Đồi Capitol.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã được khai thác triệt để trong tư duy chính trị Mỹ giống như một minh chứng cho thắng lợi cuối cùng và tất yếu của Mỹ trong “Chiến tranh Lạnh”. Do vậy, sự tồn tại một Ukraina tách biệt tối đa và thậm chí thù địch Moscow đối với Washington được coi là một dạng “dấu hiệu báo khúc khải hoàn”.

Dưới góc nhìn của Washington, nếu như hai nước Nga và Ukraina bắt đầu thỏa thuận về hợp tác kinh tế có hiệu quả, nhất là thỏa thuận về một sự liên kết nào đó, thì nhất định là lại xuất hiện một tổ chức liên quốc gia hùng mạnh có điều gì đó giống như Liên Xô cũ.

Trong trường hợp đó, ban lãnh đạo Mỹ khó có thể theo đuổi quan niệm về thắng lợi trong “Chiến tranh Lạnh” và khó giải thích tại sao đối thủ địa chính trị đã sụp đổ trong tro tàn lại trở thành một lực lượng chính trị mạnh trong nền chính trị thế giới.

Vì những lý do nêu trên, sự tồn tại một quốc gia Ukraina không đơn thuần là độc lập, mà chính là một Ukraina có quan hệ xấu với Nga là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Âu. Để đạt được nhiệm vụ này, Mỹ hành động theo ba hướng.

Thứ nhất, ngay từ đầu những năm 1990, Washington đã triển khai hoạt động tích cực với giới thượng lưu chính trị Ukraina, cũng như các tầng lớp xã hội dân cư. Tại Ukraina, một mạng lưới dầy đặc các chi nhánh của tổ chức phi chính phủ hoạt động ráo riết nhằm hình thành dư luận xã hội cần thiết cho Mỹ.

Thứ hai, Mỹ đẩy mạnh hợp tác tích cực với các phong trào cánh hữu cực đoan, dân tộc chủ nghĩa ở miền Tây Ukraina. Thực chất, thì ở dạng này hoặc dạng khác chiến dịch này đã được tiến hành từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuối cùng thì Mỹ đã thành công trong việc tạo ra những phe nhóm cực đoan, với các dấu hiệu phát xít mới, đóng vai trò quyết định trong cuộc đối đầu ở quảng trường Độc lập tại Kiev.

Cuối cùng, Washington đã sử dụng tích cực những nỗ lực ngoại giao nhằm tách Ukraina ra khỏi Nga bằng các thiết chế không thể đảo ngược.

Chính vì vậy, Kiev bị ràng buộc bởi Thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu, mà kết cục là làm phá vỡ hoàn toàn hợp tác kinh tế Nga – Ukraina. Bước tiếp theo là củng cố đối tác Ukraina với Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trong tương lai là trở thành thành viên khối này.

Như vậy, mục tiêu cuối cùng trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Ukraina phải là mối liên kết vững chắc trong cơ cấu của châu Âu – Đại Tây Dương và gắn nền kinh tế Ukraina với Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ đã không thành công trong việc thực thi chiến lược có kế hoạch này.

Khi dự án mở rộng liên kết kinh tế Á – Âu được triển khai, thì mở rộng hợp tác giữa Moscow và Kiev trở thành triển vọng hiện thực. Những năm gần đây, Mỹ buộc phải làm việc ở Ukraina theo “chế độ tăng tốc”, còn sự đối đầu gia tăng từ phía Nga đã không để cho chính giới Mỹ còn sự lựa chọn khác.

Rơi vào tình trạng không đủ khả năng buộc Chính phủ Ukraina tiến hành một chính sách thích hợp với Mỹ, Washington đã ủng hộ đảo chính nhà nước ở đất nước này.

Rõ ràng, Mỹ đã trở thành con tin của chính những chủ trương đối ngoại của mình đối với Ukraina, mà họ đã áp dụng trong hưn hai thập kỷ qua. Cuối cùng, Mỹ đang ở ranh giới đối đầu với Nga giống như những năm “Chiến tranh Lạnh”.

Lê Thắng