Với việc bán đảo tự trị Crưm tuyên bố tách khỏi Ukraina và sáp nhập Nga, Kiev giờ đây vẫn phải tìm cách xoa dịu căng thẳng ở khu vực miền đông đầy bất ổn.

TIN BÀI KHÁC:


Trên báo Global Post, tác giả Dan Peleschuk đã có bài viết về những thách thức mà Kiev đang đối mặt ở Donetsk, trung tâm công nghiệp của khu vực miền đông nói tiếng Nga ở Ukraina.

{keywords}
Biểu tình thân Nga ở Donetsk cuối tuần trước.

Theo Peleschuk, với một phong trào li khai yếu ớt hơn, một nơi có nhiều người thân Nga nhưng ít hăng hái hơn thì vùng đất này khó trở thành một phần lãnh thổ Nga trong một sớm một chiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ mới ở Kiev không có gì phải lo lắng về Donetsk.

Giới quan sát cho rằng, thay vì phải chống đỡ trước sức mạnh quân sự vượt trội từ Nga, các nhà lãnh đạo ở Kiev sẽ phải đối mặt với những bất bình đang âm ỉ ở Donetsk. Sự chuyển giao quyền lực thời hậu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych ở khu vực này sẽ lâu dài và khó khăn, bởi không ít người địa phương không thiện cảm với Kiev và đòi thêm quyền tự trị cho khu vực.

"Tôi không phải là một người lạc quan" - báo Global Post dẫn lời Oleksandr Klyuzhev, một nhà nghiên cứu chính trị ở Donetsk. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy trong thời gian tới những lời kêu gọi rải rác đòi một kiểu "ly khai" nào đó".

Sau cuộc tuần hành rộng khắp cuối tuần trước phản đối giới lãnh đạo mới ở Kiev, hiện đang có một sự yên lặng bao trùm khắp các đại lộ và đường phố rợp bóng cây ở Donetsk. Thực tế này tạo điều kiện cho các cơ quan an ninh Ukraina dễ dàng nhắm tới một số nhân vật li khai cực đoan, bắt giữ nhà hoạt động nổi tiếng nhất khu vực với cáo buộc về "chủ nghĩa cực đoan" sau khi ông này tự nhận mình là "thống đốc của nhân dân" Donetsk. Thủ lĩnh của nhiều nhóm khác được cho là buộc phải lánh đi hoặc lẩn trốn.

Thế nhưng, tâm trạng bất bình vẫn phổ biến mà biểu tượng là khu cắm lều trại ở Quảng trường Lenin, nơi các nhóm thân Nga liên tục phân phát tờ rơi lên án "hỗn loạn" nơi Quảng trường Độc lập Kiev, đầu não làn sóng biểu tình phản đối chính quyền Yanukovych.

Các chuyên gia cho rằng chỉ khoảng 30% dân số ở Donetsk ủng hộ một hình thức hòa nhập nào đó với Nga. Tuy nhiên, chất lượng cuộc sống thấp ở lòng chảo than này có nghĩa là những ủng hộ như vậy vẫn tương đối kiên định.

Chủ đề bàn bạc mới đây tập trung vào vấn đề "chế độ liên bang", một động thái mà những người ủng hộ cho rằng sẽ tránh cho Ukraina thêm chia rẽ bởi những người thân Nga đang giận dữ với chính phủ "dân tộc chủ nghĩa" mà họ cho rằng không thể tiếp cận miền đông. Tuy nhiên, phe chỉ trích cho rằng chế độ liên bang sẽ là một cái dốc trơn trượt dẫn tới đích li khai bởi vì nó cung cấp một khuôn khổ hiến pháp mà Kremlin dễ dàng tận dụng ở Crưm.

Trong khi đó, các quan chức địa phương đang phải chịu áp lực từ người biểu tình là phải xem xét một cuộc trưng cầu dân ý về vị thế của khu vực trong lòng Ukraina. Giới thượng lưu nơi đây đã bày tỏ sự ủng hộ ở nhiều cấp độ khác nhau cho một sự kiện như vậy tuy vẫn chưa biết chính xác đâu là lựa chọn hoặc cách thức đặt ra câu hỏi.

Dù thế nào thì tổng công tố viên Ukraina hồi đầu tháng này cũng đã vô hiệu hóa một quyết định của cơ quan lập pháp Donetsk về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, khẳng định rằng không có có sở pháp lý cho một hành động như vậy.

Một yếu tố quan trọng khác hiện vẫn chưa chắc chắn: ảnh hưởng của giới đầu sỏ chính trị Ukraina - một nhóm thương gia xưa nay vẫn tác động lên chính phủ. Điển hình là Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraina và là ông trùm sắt thép có ảnh hưởng lớn ở Donetsk.

Giới quan sát thừa nhận, Kremlin có thể luôn thổi được ngọn lửa li khai ở Donetsk bằng cách sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau. Nhưng, điều đó có thể sẽ va chạm với các lợi ích của Akhemtov, chủ tập đoàn Quản lý Vốn Hệ thống nắm giữ nền công nghiệp khu vực và có quan hệ thân thiết với châu Âu.

Nhưng nói về tầm ảnh hưởng của dân chúng thì rõ ràng không có lợi cho các nhà lãnh đạo ở Kiev, bởi vì mức độ tức giận ở đây nhằm vào giới đầu sỏ chính trị là rất lớn.

Thanh Hảo