Sự biến mất bí ẩn của chuyến bay số hiệu MH370 rõ ràng đã ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Malaysia ở nước nước ngoài. Và cách chính quyền Kuala Lumpur xử lý khủng hoảng đã hứng chịu nhiều chỉ trích.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Chiến dịch tìm kiếm MH370 vẫn tiếp diễn sau nhiều ngày máy bay mất tích và hy vọng từng dấy lên sau khi nhiều vật thể lạ được phát hiện trôi nổi trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, niềm an ủi mong manh với người nhà các nạn nhân đang mòn mỏi dần vì đến nay vẫn chưa có vật nào được xác định là từ chuyến bay định mệnh.

Nhiều giả thuyết khác nhau đã được đưa ra. Những đồn đoán đủ kiểu cũng xuất hiện. Nhưng tất cả vẫn chưa có một bằng chứng chắc chắn nào.

{keywords}
Chiến dịch tìm kiếm MH370 đã 4 tuần nhưng vẫn chưa có kết quả.

Thảm họa MH370 chưa từng có tiền lệ. Các chuyên gia hàng không nhiều khả năng sẽ phải mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm, để lắp ghép các chi tiết lại với nhau. Và bất cứ một chính phủ nào cũng sẽ khó mà chuẩn bị tốt trước cho những viễn cảnh phức tạp như vậy.

Đối với Malaysia - một đất nước hiếm khi đối mặt với thảm họa, khủng bố hay các tình huống khẩn cấp, những thiếu sót và sơ xuất trong phản ứng của chính phủ rõ ràng bắt nguồn từ việc thiếu kinh nghiệm. Trong vụ MH370, giới chức Malaysia đã bị đẩy vào một tình thế không hề mong muốn trên sân khấu thế giới. Những tuyên bố trái ngược, việc trì hoãn tiết lộ thông tin và phản ứng chậm trễ của quân đội nước này đã càng khiến thân nhân người mất tích thêm thất vọng.

Quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur tương đối hòa thuận trong nhiều năm qua. Nhưng khi có tới 2/3 số hành khách trên MH370 là người Trung Quốc, vụ máy bay mất tích đã khiến người Trung Quốc liên tục chỉ trích phản ứng của chính phủ Malaysia, đòi các nhà chức trách nước này cung cấp thông tin liên tục và đáng tin cậy.

Sau khi máy bay mất tích sáng 8/3, trong những ngày đầu tiên tìm kiếm, các đội đã chạy theo một số đầu mối sai lầm nên đã lục tung Biển Đông, nơi máy bay mất liên lạc sau hơn một giờ rời khỏi Kuala Lumpur trên đường tới Bắc Kinh. Và mãi 7 ngày sau phía Malaysia mới tiết lộ thông tin xác nhận máy bay đã chuyển hướng và bay thêm gần 7 giờ nữa sau khi biến mất khỏi màn hình radar.

{keywords}
Người nhà hành khách Trung Quốc vẫn mòn mỏi ngóng tin.

Nếu Malaysia hành động khác biệt ngay từ lúc đầu thì có thể họ đã tránh được thảm họa. MH370 đã qua mặt ít nhất 3 tầm radar quân sự khi di chuyển qua khu vực phía bắc bán đảo Malaysia. Lẽ ra Không lực phải có một phản ứng khẩn cấp để ngăn chặn máy bay và có thể dẫn dắt nó hạ cánh an toàn.

Có lẽ Malaysia miễn cưỡng tiết lộ dữ liệu radar vì không muốn thừa nhận một máy bay không xác định đã chọc thủng hệ thống phòng thủ quốc gia khi MH370 đổi hướng. Không lực nước này lập luận MH370 không gây báo động an ninh bởi vì hồ sơ của máy bay không cho thấy nó là một phương tiện thù địch, và các hoạt động của máy bay được ghi lại chứ không phải theo dõi trực tiếp.

Nhận thức rằng giới chức Malaysia dường như không phối hợp tốt và thường xuyên mâu thuẫn với nhau về các thông tin cơ bản đã khiến truyền thông Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ hệ thống quản lý của nước láng giềng. Một bài viết trên báo Global Times còn chĩa mùi dùi vào khát vọng lâu nay của Malaysia muốn trở thành một nước phát triển thu nhập cao vào năm 2020, nói rằng "xét từ góc độ nước này xử lý vụ MH370 thì công cuộc hiện đại hóa Malaysia sẽ còn lùi xa mốc thời gian đó".

Cộng đồng mạng ở Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ dành cho thân nhân hành khách MH370, với một số người từng dọa tuyệt thực vì phía Malaysia không cử người tới Bắc Kinh lắng nghe than phiền của họ.

Khủng hoảng MH370 đã dẫn tới nhiều lo ngại về uy tín của ban lãnh đạo Malaysia ở Bắc Kinh và nhiều nơi khác. Vụ việc xảy ra giữa bối cảnh Malaysia bị phân cực chính trị sâu sắc với sự ủng hộ dành cho liên minh cầm quyền suy giảm, và các đảng đối lập đã ngay lập tức tận dụng những sai sót trong cách xử lý của chính phủ.

Thanh Hảo