Tòa án Hiến pháp đã phế truất Thủ tướng Yingluck Shinawatra, động thái mới nhất đẩy Thái Lan lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị vốn kéo dài đã lâu. Hãng tin BBC đưa ra một số yếu tố đằng sau bế tắc này và những gì hai phe ủng hộ - phản đối chính phủ yêu sách.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Tại sao tòa án hạ bệ Yingluck?

Tòa Hiến pháp Thái Lan tuyên bố bà Yingluck hành động trái phép khi thuyên chuyển chỉ huy an ninh quốc gia Thawil Pliensri sang một vị trí khác năm 2011. Nhân vật này đã được chính phủ trước đó bổ nhiệm và ông thường công khai chỉ trích chính quyền Yingluck. Sau đó, Pliensri đã được phục chức.

Phán quyết của Tòa còn yêu cầu 9 thành viên nội các có liên quan vụ thuyên chuyển này phải từ chức.

Những người ủng hộ Yingluck và đảng Pheu Thái cầm quyền tin rằng tòa án đứng về phe chống đối bà nên đã có thành kiến.

{keywords}
Những người phản đối cáo buộc chính phủ mua phiếu bầu bằng những cam kết vô trách nhiệm. (Ảnh: Reuters)

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Hiện đang có nhiều lo ngại rằng tâm lý này sẽ dẫn đến các vụ đụng độ giữa phe Yingluck (Áo Đỏ) và phe chống bà.

Chính trường Thái đang phân cực nghiêm trọng. Đảng Pheu Thái nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cử tri nông thôn và đã chiến thắng trong kỳ bầu cử năm 2011. Phe "Áo Đỏ" tuyên bố, họ coi bất kỳ động thái nào của tòa án nhằm cấm bà Yingluck tham gia chính trường là một cuộc đảo chính tư pháp.

Tuy nhiên, phe chống Yingluck - bao gồm đông đảo cử tri thành thị và trung lưu - đã tuần hành phản đối chính phủ nhiều tháng qua. Họ chiếm giữ các tòa nhà công quyền và phá hỏng cuộc bầu cử hồi tháng 2.

Ít nhất 27 người đã thiệt mạng trong làn sóng phản đối này.

Ai đang điều hành đất nước?

Đến giờ, các thành viên còn lại trong Nội các của chính quyền Yingluck vẫn có thể làm việc với quyền hạn tạm thời. Bộ trưởng Thương mại Niwatthamrong Boonsongphaisan hiện đang đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng thay bà Yingluck.

Các cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/7, sau khi cuộc bầu cử nhanh hồi tháng 2 mà đảng của bà Yingluck nắm chắc phần thắng bị tuyên bố là vi hiến vì bị người biểu tình phá hỏng.

Giờ đây, phe đối lập lại tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bầu cử tiếp theo. Họ đòi sự kiện này phải được hoãn lại và một chính phủ tạm quyền cần được chỉ định để giám sát cải cách chính trị.

Trong khi đó, Cơ quan chống tham nhũng của Thái Lan đã buộc tội Yingluck liên quan đến một dự án trợ giá gạo - một động thái có thể khiến bà bị cấm tham gia chính trường trong 5 năm.

{keywords}
Các cuộc biểu tình chống chính phủ do Suthep Thaugsuban dẫn đầu. (Ảnh: AP)

Khủng hoảng mới nhất bắt đầu thế nào?

Vòng xoáy khủng hoảng chính trị mới nhất ở Thái Lan bắt đầu hồi tháng 11, sau khi Hạ viện nước này thông qua một dự luật ân xá mà phe chỉ trích cáo buộc sẽ cho phép cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, anh ruột bà Yingluck, trở về nước mà không phải thụ án tù.

Hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ ra đường phố Bangkok để phản đối dự luật.

Thaksin - một trong những nhân vật gây chia rẽ nhất trên chính trường Thái Lan - hiện đang sống lưu vong sau khi bị kết tội tham nhũng ở trong nước. Tuy nhiên, ông này vẫn được rất nhiều người Thái ở nông thôn yêu mến.

Dự luật ân xá là do chính quyền Yingluck đề xuất. Dù được Hạ viện thông qua nhưng văn bản này đã bị Thượng viện phủ quyết. Tuy thế, phe chống chính phủ vẫn tiếp tục biểu tình và đưa ra các yêu sách mới.

Hai phe gồm những ai?

Các cuộc biểu tình chống chính phủ do Suthep Thaugsuban dẫn đầu. Ông này từng là Phó Thủ tướng Thái Lan và đã ra khỏi Đảng Dân chủ đối lập để dẫn dắt các cuộc tuần hành.

Người biểu tình có chung sự phản đối nhằm vào Thaksin và tin rằng ông này vẫn đang kiểm soát chính phủ của đảng Pheu Thái hiện nay. Họ cáo buộc chính phủ mua phiếu bầu bằng những cam kết chi tiêu vô trách nhiệm, và vì thế đã tạo ra một nền dân chủ rạn nứt.

Phe "Áo Đỏ" ủng hộ chính phủ cũng tổ chức một số cuộc tuần hành nhưng vẫn chưa xuống đường. Họ ủng hộ các chính sách của chính phủ, cảnh báo sẽ huy động số lượng lớn người tham gia biểu tình nếu chính phủ họ bầu ra bị buộc phải từ chức.

Giới quan sát lo ngại, nếu lực lượng này quyết định biểu tình thì bạo lực sẽ leo thang.

Làn sóng biểu tình diễn tiến thế nào?

Vào tháng 11 năm ngoái, khoảng 100.000 người biểu tình phản đối chính phủ đã đổ xuống đường. Con số này giảm dần từ đó đến nay. Lúc đầu, các cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa song sau đó đã có máu đổ khi bạo lực nổ ra gần một cuộc tuần hành "Áo Đỏ" ngày 30/11 làm 1 người tử vong.

Ban đầu cảnh sát tránh đối đầu với người biểu tình nhằm kiềm chế bạo loạn. Tuy nhiên, vào tháng 2, họ đã phải hành động để dọn dẹp một số điểm bị người biểu tình chiếm giữ, làm nổ ra các cuộc đụng độ.

Một số người tử vong trong các cuộc tấn công nhằm vào biểu tình chống chính phủ. Cả hai phe ủng hộ và chống chính phủ quy kết nhau là thủ phạm.

{keywords}
Biểu tình chống chính phủ ở Bangkok. (Ảnh: Reuters)

Đằng sau khủng hoảng

Thái Lan đã đối mặt với một cuộc tranh giành quyền lực kể từ khi Thaksin bị hạ bệ khỏi vị trí Thủ tướng trong một cuộc đảo chính quân sự 2006. Ông bị cáo buộc tham nhũng và lạm quyền.

Thaksin đã rời khỏi Thái Lan năm 2008 sau khi bị tuyên án tù. Một chính phủ của những người ủng hộ ông được bầu ra trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hậu đảo chính nhưng sau đó lại bị tòa án phế truất.

Năm 2010, phe ủng hộ Thaksin chiếm giữ nhiều khu vực ở Bangkok. Hơn 90 người, chủ yếu là dân thường biểu tình, đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ và chiến dịch trấn áp của cảnh sát.

Thái Lan được hưởng một bầu không khí chính trị tương đối yên bình sau khi bà Yingluck lên nắm quyền năm 2011. Tuy nhiên, việc chính phủ tìm cách thông qua dự luật ân xá đã làm dấy căng thẳng và dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối rộng khắp.

Thanh Hảo