Sự biến mất của MH370 cho tới nay vẫn là điều bí hiểm nhất trong lịch sử hàng không thế giới hiện đại. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Việc mất dấu và không có tung tích của máy bay Malaysia mang số hiệu MH370 cùng với 239 hành khách hôm 8/3 để lại nhiều câu hỏi và vấn đề đau đầu cho người nhà nạn nhân cũng như các chính quyền liên quan. 

{keywords}
Nhiều người vẫn hy vọng tìm thấy MH370

Malaysia bị chỉ trích nặng nề vì sự chậm trễ cũng như bối rối liên quan tới công tác tìm kiếm ban đầu. Nhiều người cho rằng Malaysia đã vụng về trong giai đoạn này, mặc dù vậy, chính quyền nước này vẫn tuyên bố không từ bỏ nỗ lực tìm kiếm MH370. 

“Chúng tôi không thể và sẽ không ngừng nghỉ cho tới khi nào tìm thấy MH370” – quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nói.  

“Chúng tôi không thể và sẽ không từ bỏ gia đình của phi hành đoàn và các hành khách của MH370” – ông Hussein nói thêm. 

Ông Hishammuddin Hussein nói rằng, bất chấp các chỉ trích, ‘mọi người vẫn tin tưởng Malaysia vì đã làm tốt nhất những gì có thể trong các bối cảnh gần như là bất khả, và lịch sử sẽ phán xét nghiêng về phía chúng tôi vì điều này’.  

Tuy nhiên, những lời nói này của giới chức Malaysia không làm vơi đi những nỗi đau của thân nhân người bị nạn trong chuyến bay xấu số, trong đó có Gao Yongfu có chồng là Li Zhi - một trong số 154 hành khách Trung Quốc trên máy bay. 

Kể từ khi mất tích hôm 8/3, Gao viết nhật ký về những nỗi đau, lo lắng, tuyệt vọng của một người vợ phải trải qua khi không thể biết chồng mình còn sống hay đã chết ra sao. 

Nhưng Gao không từ bỏ hy vọng và vẫn mong có phép lạ xảy ra. ‘Chừng nào vẫn còn một tia hy vọng, em sẽ không từ bỏ’ – Gao viết. 

Chia rẽ về phí tổn 

Trong khi đó, hai quốc gia đang dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm MH370 lại không thể thống nhất trong việc sẻ chia phí tổn.  

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời nhà lập pháp người Malaysia là Jailani Johari nói rằng việc chia sẻ phí tổn sẽ theo nguyên tắc 50-50 trong tương lai. Nhưng Australia nói rằng mọi việc không dễ dàng như vậy.  

Cuối tuần qua, các quan chức Malaysia và Australia đã thảo luận về việc chia sẻ chi phí, nhưng Bộ trưởng Giao thông Australia là Warren Truss đã từ chối trả lời về việc này. 

Ông Truss cho biết Australia đang thảo luận với Malaysia và các quốc gia khác có lợi ích then chốt trong việc tìm kiếm MH370. 

Tìm kiếm MH370 chưa có kết quả nào tích cực, nhưng phí tổn lại quá lớn và có thể kéo dài nhiều tháng, hoặc nhiều năm. 

Australia cho biết có thể sẽ phải tốn 90 triệu Đô la Úc (khoảng 84,47 triệu Đô la Mỹ) cho công việc này cho tới tháng 7/2015. Tuy nhiên, chi phí thực tế mà Australia chịu sẽ phụ thuộc vào việc máy bay sẽ được tìm thấy sớm hay muộn, và các quốc gia sẽ đóng góp là bao nhiêu.  

Một chuyên gia về luật nói rằng nghĩa vụ của Australia trong việc này là rất mơ hồ, vì việc máy bay biến mất khó hiểu như vậy là chưa từng có tiền lệ. 

Các quốc gia vẫn tiếp tục thảo luận về việc đóng góp tiền như thế nào trong giai đoạn tìm kiếm tới ở khu vực rộng gần 56.000 km2 dưới đáy biển sâu hơn 7km. 

Hiện tại, những nước như Malaysia, Australia, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc và New Zealand... vẫn tự chịu phí tổn.  

Lê Thu