Phiến quân Sunni ở Iraq tuyên bố họ đã chiếm trọn nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq ở Baiji, phía bắc Baghdad, sau nhiều ngày giao tranh dữ dội.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Tổ hợp dầu mỏ Baiji sản xuất 1/3 lượng nhiên liệu tinh chế của Iraq và cuộc chiến giành quyền kiểm soát nơi này của lực lượng nổi dậy đã kéo dài cả tuần qua.

{keywords}

Tổ hợp dầu mỏ Baiji là điểm giao tranh suốt tuần qua. (Ảnh: Reuters)

Quân nổi dậy, đứng đầu là tổ chức ISIS (Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant), đã chiếm được nhiều vùng ở bắc và tây Baghdad, trong đó có thành phố lớn thứ 2 Iraq, Mosul. Binh sĩ và cảnh sát của chính phủ kháng cự rất ít hoặc chưa đánh đã lột bỏ quân phục tháo chạy.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo các lãnh đạo ở Trung Đông rằng ISIS là một "mối đe dọa không chỉ với Iraq mà với cả khu vực".

Các láng giềng cũng đã bày tỏ lo ngại những gì đang diễn ra ở Iraq. Nhiều nước đã bắt đầu tăng cường phòng thủ sau khi một số cửa khẩu của Iraq rơi vào tay phiến quân cuối tuần trước.

Syria

ISIS đã kiểm soát nhiều khu rộng lớn ở miền bắc và đông Syria, trong đó có phần lớn diện tích các tỉnh Raqqa và Deir al-Zour. Trên đà chiến thắng ở Iraq, các chiến binh ISIS cũng chiếm được một số thị trấn mang tầm quan trọng chiến lược dọc biên giới phía Syria. Họ cũng tận dụng luôn các thiết bị và vũ khí chiếm được từ quân đội Iraq.

Những gì ISIS đạt được được cho là đang báo động chính phủ Syria. Thời gian qua, Damascus đã kiềm chế tấn công nhóm thánh chiến này bởi những tổn hại nó gây ra cho các lực lượng nổi dậy ôn hòa hơn. Tuy nhiên, trong tuần qua, không lực Syria lần đầu tiên cũng đã tấn công các thành trì của ISIS.

Iran

Ngày 22/6, lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei lên tiếng phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Iraq, cáo buộc Washington đang tìm cách thao túng tình trạng chia rẽ giáo phái để giành lại quốc gia họ từng chiếm đóng.

Giáo chủ Kamenei nói rằng ông tin người Iraq có thể tự chấm dứt bạo lực.

Tehran được cho là đã cử quân sang Iraq để cố vấn cho lực lượng an ninh về cách xử lý ISIS. Tư lệnh Lực lượng Quds tinh nhuệ của Bảo vệ Cách mạng Iran, tướng Qasem Soleimani, đã tới Baghdad để giám sát việc phòng thủ của thành phố này và hàng nghìn người Shiite ở Iraq đã hưởng ứng lời kêu gọi đứng lên cầm vũ khí bảo vệ đất nước.

Iran đã tạo dựng được ảnh hưởng mạnh mẽ đối với Iraq kể từ sau cuộc chiến do Mỹ đứng đầu lật đổ chế độ Saddam Hussein. Nhiều lãnh đạo Iraq đã có nhiều năm tị nạn ở Iran và các đảng chính trị của họ nhận được sự ủng hộ từ Tehran.

Jordan

Jordan đã tăng cường hệ thống phòng thủ dọc biên giới với Iraq, cùng với nhiều xe tăng và súng phóng rocket sau khi phiến quân Sunni chiếm giữ lãnh địa phía tây tỉnh Anbar và giành quyền kiểm soát vùng đất duy nhất giao với Jordan ở Traybil.

{keywords}
  Các máy bay quân sự  Jordan tăng cường tuần tra vùng biên giới giáp Iraq. (Ảnh: Reuters)

Traybil thất thủ không bị xem là một mối đe dọa an ninh đối với Jordan. Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự tiết lộ với hãng tin Reuters hôm 22/6 rằng các đơn vị quân đội nước này đã được đặt trong tình trạng báo động.

Theo một số chuyên gia phân tích, Jordan có thể là mục tiêu tiếp theo của ISIS. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh rằng chính phủ nước này ổn định hơn, quân đội hiệu quả hơn trong khi những người chủ trương thánh chiến ở Jordan lên án ISIS kịch liệt.

Thổ Nhĩ Kỳ

ISIS đã chiếm giữ một số thành phố, thị trấn gần biên giới Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ và đã bắt cóc hàng chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy chính quyền Ankara dọa sẽ trả đũa nếu như bất kỳ con tin nào trong số đó bị hại, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cảnh báo các nguy cơ thương vong dân thường "nghiêm trọng" khi tiến hành không kích nhằm vào ISIS ở Iraq.

Ảrập Xêút

{keywords}
Quân đội Iraq tuần tra biên giới giáp Ảrập Xêút để ngăn chặn các phiến quân thánh chiến xâm nhập. (Ảnh: Reuters)

Tuần trước, Thủ tướng Iraq Nouri Maliki cáo buộc Ảrập Xêút - cường quốc Sunni hàng đầu Vùng Vịnh - khuyến khích "những tội ác ngang với diệt chủng" khi cung cấp sự hỗ trợ về tài chính và tinh thần cho ISIS.

Chính phủ Ảrập phủ nhận những gì họ gọi là "một sự dối trá hiểm độc". Riyadh khẳng định họ muốn chứng kiến ISIS bị tiêu diệt và đổ lỗi cho "các chính sách loại bỏ" của chính quyền Maliki.

Kuwait

Ngoại trưởng Kuwait Sheikh Sabah al-Khalid al-Sabah bình luận rằng các diễn biến mới đây ở Iraq "đang gây lo ngại sâu sắc" nhưng là nằm trong "dự đoán".

Tuần trước, Bộ trưởng Phụ trách An ninh biên giới của Kuwait, Thiếu tướng Sheikh Mohammed al-Youssef, đảm bảo với người dân trong nước rằng biên giới phía bắc quốc gia vẫn an toàn.

Thanh Hảo