Sau khi Nga và Áo ký kết một dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam, Tổng thống Nga cho biết Mỹ rất phản đối việc này vì Washington muốn tự cung cấp khí đốt cho châu Âu.  

TIN BÀI LIÊN QUAN

RT dẫn lời ông Putin gọi tình huống này là một ‘đối đầu mang tính cạnh tranh thông thường’.  

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

“Họ tìm mọi cách để ngăn hợp đồng này. Trong việc này không có gì là bất thường. Đây chỉ là một sự đối đầu mang tính cạnh tranh thông thường. Còn trong chiều hướng ganh đua thì các công cụ chính trị luôn được mang ra sử dụng” – ông Putin nói sau khi có cuộc hội đàm với người đồng nhiệm của Áo là Tổng thống Heinz Fischer ở Vienna. 

“Chúng tôi đối thoại với các đối tác hợp đồng của mình, chứ không phải với bên thứ ba. Còn việc những người bạn Mỹ không vui về Dòng chảy phương Nam thì hồi năm 1962 họ cũng đã không vui khi dự án đổi khí lấy ống với Đức khởi động. Giờ họ vẫn thế, không có gì thay đổi, trừ việc họ muốn cung cấp cho thị trường khí đốt ở châu Âu” – ông Putin nói. 

Nếu điều này xảy ra, ông Putin nhấn mạnh rằng giá khí đốt của Mỹ ‘sẽ chẳng rẻ hơn của Nga – vì khí đốt qua đường ống sẽ rẻ hơn là khí hóa lỏng’.  

Nga và Áo đã ký một thỏa thuận xây dựng một nhánh tới Áo trong dự án đường ống dẫn khí Đường ống phương Nam trị giá 45 tỉ USD, dự kiến sẽ chuyển 32 tỉ m3 khí đốt từ Nga sang Áo mà không đi qua Ukraina. 

Tuy nhiên, ông Putin nói thêm rằng Moscow không để đường ống khí đốt qua Ukraina không phải vì lý do chính trị.  

Trong khi đó, AP cho hay, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu đã hoàn tất gói trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực kinh tế then chốt của Nga và có thể áp dụng các trừng phạt vào tuần này. Tuy nhiên, gói trừng phạt này có thể phải hoãn lại vì những tín hiệu tích cực của Tổng thống Nga về vấn đề Ukraina. 

Trong gói trừng phạt này, châu Âu dự định nhằm cả ngành công nghiệp năng lượng lớn mạnh của Nga.  

Mỹ và châu Âu dự định tuyên bố về kế hoạch này vào cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ, vào cuối tuần này. Nhưng mức độ nhiệt tình đối với các lệnh trừng phạt này đã giảm hẳn vì giới lãnh đạo châu Âu muốn xem liệu ông Putin có thực sự hành động như những lời hứa hẹn nhằm giải tỏa khủng hoảng tại Ukraina hay không. 

Hôm qua, ông Putin đã có động thái bất ngờ, khi đề nghị Thượng viện hủy bỏ nghị quyết cho phép ông đem quân sang Ukraina. Ông cũng hối thúc Tổng thống Ukraina kéo dài thời hạn ngừng bắn và kêu gọi đối thoại trực tiếp giữa các bên ở Ukraina nhằm chấm dứt bạo lực ở miền đông nước này. 

Lê Thu