Không ai biết có bao nhiêu thi thể từ hiện trường máy bay Malaysia rơi ở miền đông Ukraina, cũng không ai biết họ được đưa đi đâu và chính xác phe nào di chuyển họ.

TIN LIÊN QUAN:
Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia rơi ở Ukraina

Thông tin trên vừa được người phát ngôn của một nhóm quan sát viên quốc tế nói với hãng thông tấn CNN.

  {keywords}

Michael Bociurkiw thuộc Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) cho hay, nhóm "Erin Burnett OutFront" đã tới hiện trường máy bay rơi ở vùng hẻo lánh và chứng kiến những người đàn ông đang di chuyển một số lượng không rõ bao nhiêu túi đựng xác.

Theo Bociurkiw, thật khó để có được thông tin đáng tin cậy, bởi một số nhóm li khai thân Nga - với nhiều người bị kín mặt - đang kiểm soát khu vực. "Tuy nhiên, dường như không có một vị chỉ huy nào đảm đương trách nhiệm", ông nói thêm.

Chiếc Boeing 777 số hiệu MH17 hành trình từ Amsterdam đi Kuala Lumpur hôm 17/7 đã bị bắn rơi bằng một tên lửa đất đối không xuống vùng biên giới Ukraina giáp với Nga. Toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng. Quân li khai địa phương bị nghi ngờ là thủ phạm.

Ba nhà điều tra Ukraina đã đi cùng các quan sát viên OSCE nhưng không có nhiều thời gian để làm công việc của họ. "Họ cần thêm nhiều thời gian và cần được tự do tiếp cận hơn nữa", ông Bociurkiw nói.

Vụ MH17 đã khiến nhiều nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng và yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin dùng ảnh hưởng của ông đối với quân li khai Ukraina.

{keywords}

"Hôm qua, các giám sát viên [OSCE] được phép có mặt ở hiện trường chỉ 75 phút", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông điệp tối 19/7. "Hôm nay, họ chỉ được cho phép hơn 3 giờ đồng hồ".

"Hiện trường không được đảm bảo, và có nhiều thông tin rằng xác các nạn nhân đang được di dời, nhiều bộ phận và mảnh vỡ máy bay đang được lôi đi, và bằng chứng tiềm năng bị can thiệp. Đây là điều không thể chấp nhận được và là điều sỉ nhục với tất cả những ai đã mất người thân và phẩm giá của các nạn nhân", CNN trích dẫn thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong một bài viết trên báo Sunday Times, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi ông Putin bằng cách nào đó giúp cho hiện trường MH17 dễ tiếp cận hơn và giảm thiểu xung đột giữa Ukraina và phe li khai.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đã bày tỏ quan điểm.

"Tôi muốn thấy kết quả dưới dạng sự tiếp cận không bị cản trở", ông Rutte nói tại một cuộc họp báo. Nhà lãnh đạo nước này gọi hình ảnh những người lục lọi giữa đống đổ nát và hành lí của các nạn nhân là "hết sức ghê tởm".

Gần 2/3 hành khách đi trên MH17 là người Hà Lan.

Theo các quan chức chính phủ Ukraina, quân li khai địa phương đã dỡ bỏ các mảnh vỡ máy bay và đưa 38 thi thể khỏi hiện trường trong nỗ lực che đậy những gì đã xảy ra. Nói rằng có hiện tượng cướp bóc tiền vàng, trang sức cùng nhiều vật dụng khác từ người chết, Kiev kêu gọi người nhà nạn nhân hãy hủy thẻ tín dụng của họ.

{keywords}

Borodai, lãnh đạo li khai tự nhận là Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng ở miền đông Ukraina, bác bỏ thông tin người của ông đã dịch chuyển xác các nạn nhân.

"Ngay cả một ngôi nhà có xác người rơi xuống, chủ đất yêu cầu chúng tôi chuyển xác đi, chúng tôi cũng không chuyển bởi chúng tôi không được phép làm gì" ông này quả quyết.

Một vấn đề then chốt đối với các nhà điều tra hiện nay là địa điểm hộp đen của máy bay. Chính phủ Ukraina hôm 18/7 nói hộp đen vẫn ở trên lãnh thổ Ukraina song không nêu cụ thể chúng có nằm trong tay của Kiev hay không.

Bociurkiw thuộc OSCE cho biết, không ai tại hiện trường có thể nói cho nhóm của ông biết hộp đen của máy bay đang ở đâu.

Trong khi đó, đoàn nhà điều tra Malaysia cũng đã tới Ukraina trong nỗ lực tìm hiểu ngọn nguồn những gì đã xảy ra với máy bay MH17. Tuy nhiên, hãng thông tấn chính thức của Malaysia là Bernama đưa tin họ vẫn đang đàm phán với phe li khai để phái đoàn gồm 131 thành viên của nước này được tiếp cận hiện trường.

Thanh Hảo