Một âm mưu ám sát nhắm tới Tổng thống Vladimir Putin. Một thủ đoạn tuyệt vọng
nhằm thu hút sự chú ý của phương Tây vào chiến sự ở đông Ukraina. Một kế hoạch
vụng về nhằm thực hiện một vụ giết người hàng loạt chống lại Nga.
> Toàn cảnh vụ máy bay Malaysia rơi ở Ukraina
Theo hãng tin AP, dân chúng Nga đang được nghe rất nhiều cách giải thích về
vụ máy bay số hiệu MH17 của Malaysia bị rơi ở đông Ukraina làm 298 người chết
hôm 17/7. Vô số giả thuyết được đặt ra, đủ kiểu loại nhưng tất cả đều chĩa mũi
dùi về phía Kiev. Không một ai chấp nhận khả năng Moscow có liên quan.
Các báo Nga đưa tin về vụ MH17. (Ảnh: AP) |
Ở Nga, thảm kịch MH17 được khai thác khác xa những gì được đưa tin ở phương Tây. Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu trên truyền hình Mỹ rằng quân nổi dậy có thể đã bắn máy bay bằng vũ khí Nga, người Nga liền được nghe một loạt viễn cảnh rằng các lực lượng ở Ukraina đang âm mưu gây ra một thảm kịch trên không.
Vài giờ sau khi máy bay MH17 rơi, Yekaterina Andreyeva, một trong những phát thanh viên nổi tiếng ở Nga, bình luận: Putin - đang trên đường từ Brazil về nước - cũng di chuyển trên cùng đường bay với máy bay Malaysia chưa đầy 1 giờ đồng hồ trước khi nó bị tấn công - ám chỉ một âm mưu ám sát.
"Máy bay của Tổng thống và chiếc Boeing của Malaysia đã bay qua những tuyến đó ở cùng thời điểm và cùng cấp độ bay", Andreyeva nói. "Hình dáng và chiều dài máy bay cực giống nhau, và màu sắc của chúng cũng gần như y hệt từ một khoảng cách như vậy".
Buổi sáng sau đó, ngày 18/7, giả thuyết ám sát được phát triển với nhiều câu chuyện khác. Trong số đó, một câu chuyện tập trung vào bệ phóng tên lửa Buk mà Ukraina xác định là đã bắn rơi máy bay. Đài Rossiya TV của Nga gắn cáo buộc vào Kiev, nói rằng quân li khai không sở hữu vũ khí nào như vậy trong khi Ukraina mới đây đã triển khai một hệ thống Buk tới khu vực.
Rossiya thậm chí còn đưa câu chuyện đi xa hơn khi mô tả logo màu đỏ - trắng - xanh của Malaysia Airlines "giống với cờ ba màu của Nga" - ám chỉ một âm mưu của Ukraina nhằm cho nổ tung một máy bay chở khách Nga.
Komsomolskaya Pravda, một tờ báo lá cải đông người đọc nhất ở Nga, nêu ra một giả thuyết khác. Báo này cho rằng các kiểm soát viên không lưu Ukraina đã dẫn đường cho MH17 bay thẳng vào bầu trời vùng xung đột, đăng kèm nhiều bức ảnh từ các trang web lần theo dấu vết chuyến bay cho thấy hành trình dao động của nó.
Hôm 22/7, Komsomolskaya Pravda còn ám chỉ MH17 bị một máy bay quân sự của Ukraina bắn hạ với sự yểm trợ của Mỹ khi đưa tin: "Một máy bay tấn công của Ukraina và một vệ tinh do thám Mỹ đã theo dõi chiếc Boeing bị rơi".
Truyền thông Nga cho rằng, các quan chức Kiev đã sắp đặt thảm kịch MH17 để khiến nó giống như một vụ tấn công do quân li khai thực hiện với hy vọng dụ được các cường quốc phương Tây can thiệp quân sự vào miền đông Ukraina.
Thanh Hảo