BBC cho hay ba nhóm chuyên gia quốc tế hiện nay đã có mặt tại hiện trường vụ rơi máy bay Malaysia Airlines ở đông Ukraina hôm 17/7. 

TIN BÀI LIÊN QUAN

Dưới đây là những thách thức mà các nhà điều tra vụ máy bay rơi phải đối mặt khi họ bắt đầu ghép nối các mảnh vỡ trong những phút cuối của MH17. 

{keywords}
Khu vực máy bay MH17 rơi ở đông Ukraina. Nhiều mảnh vỡ của MH17 đã bị quân ly khai di rời. Nguồn: BBC

Hiện trường vụ rơi máy bay 

Nghi ngại lớn nhất hiện nay là hiện trường của MH17 bị xáo trộn hoặc làm hỏng. Các video gần đây cho thấy các cần cẩu đã nâng các mảnh vỡ của thân máy bay. Một đoạn clip khác ghi cảnh quân ly khai thân Nga ở đông Ukraina đã tìm kiếm tại khu vực mảnh vỡ và đồ đạc cá nhân của những nạn nhân máy bay. 

Người phát ngôn của phái đoàn điều tra thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu âu (OSCE) là Michael Bociurkiv cho hay nhiều mảnh vỡ lớn của máy bay trông có vẻ khác đi sau chuyến thăm gần đây nhất của nhóm điều tra. Ông nói rằng dường như các mảnh vỡ này đã ‘bị cắt’.  

Chuyên gia hàng không David Learmount nói rằng quy trình thông thường cho việc điều tra là hiện trường máy bay rơi phải được phong tỏa và bảo toàn như hiện trường vụ án hình sự, do đó, các bằng chứng không bị xáo trộn cho tới khi các điều tra viên chính thức tới. 

“Riêng khu vực này lại không được bảo toàn và hiện vẫn thế” – ông Learmount nói. 

Hướng rơi của các mảnh vỡ trên mặt đất cũng rất quan trọng. Theo Learmount, nếu như các mảnh vỡ rơi dọc trên một diện rất rộng, thì có khả năng là máy bay ‘bị nổ tung và rơi xuống thành từng mảng’. Việc di chuyển hoặc thay đổi vị trí các mảnh vỡ sẽ làm xáo trộn hướng rơi, gây khó khăn cho việc điều tra.

Tên lửa sẽ làm nổ máy bay như thế nào? 

{keywords}
Đồ họa mô phỏng tên lửa có thể phát nổ khi bay gần tới MH17, đầu đạn tên lửa nổ thành các mảnh nhỏ, găm vào thân máy bay. Nguồn: BBC

Mảnh vỡ 

David Gleave, một chuyên gia hàng không tại Đại học Loughborough, chuyên điều tra khu vực máy bay rơi, cho hay các điều tra viên sẽ tìm kiếm các dấu tích bên ngoài trên các mảnh vỡ.  

“Tôi có nhìn một số tầm hình, có nhiều mảnh máy bay có các vết đâm thủng như của súng ngắn, và điều đó cho thấy chứng cứ là có gì đó từ bên ngoài đã tìm cách xuyên vào bên trong máy bay, chứ không hẳn là vụ nổ từ bên trong máy bay bắn ra ngoài”.  

Douglas Barrie - một học giả cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) - nói: “Yếu tố hình ảnh cho tới lúc này có được cùng với kiểu phá hủy như vậy khiến ai cũng có thể nghĩ tới một tên lửa đất đối không với một đầu đạn nổ làm nhiều mảnh”.  

Với giả định như vậy thì hệ thống tên lửa Buk hoặc SA-11 của Nga sản xuất được cho là tác giả của vụ rơi máy bay. Vì tên lửa này trang bị một mạch điện có thể nhận ra mục tiêu khi tiếp cận và phát nổ trước khi va chạm, phóng ra các vật nhọn hoặc mảnh vỡ. 

Nhưng David Owen, tác giả của cuốn sách Điều tra Tai nạn Hàng không, nói rằng: “Ngay cả khi tìm thấy các mảnh vỡ của tên lửa (bắn hạ MH17) thì vẫn chưa đủ chứng cứ để quy trách nhiệm, bởi vì tất cả các bên đều có thể tiếp cận loại thiết bị này”.

Nga, Ukraina và quân ly khai đông Ukraina đều có thể tiếp cận Buk.  

Còn về các mảnh của máy bay đã bị di chuyển, làm thế nào để các điều tra viên xác thực nguyên nhân vụ rơi máy bay? 

Ông Gleave nói rằng việc làm giả các phần của máy bay hoặc che đậy các phần máy bay hư hại là điều khó khăn vô cùng. 

“Trong điều kiện lý tưởng nhất là có thể bảo toàn và tiếp cận khu vực máy bay rơi ngay lập tức” – Gleave nói thêm, nếu như vụ nổ là do tên lửa gây nên thì trên mặt đất hẳn là còn đủ chứng cứ chứng tỏ điều này.  

Ông Learmount nói rằng vỏ ngoài của máy bay có thể cung cấp chứng cứ quan trọng. “Nó có thể còn các dấu vết của vụ nổ từ bên trong máy bay hoặc từ tên lửa – trừ khi nó bị làm lẫn lộn”.  

“Về lý thuyết thì các công nghệ điều tra máy bay rơi rất tốt, nhưng vấn đề lớn ở đây là hiện trường vụ án đã có sự xáo trộn” – ông Owen nói. 

“Các thi thể đã bị di chuyển, các mảnh vỡ đã bị đưa đi nơi khác và chỉ còn lại những điều kiện hỗn loạn của một vùng chiến sự – tất cả những điều này có nghĩa là thông tin có thể đã bị khuất lấp hoặc gây nên việc rút ra sai kết luận”.  

Các tay súng ly khai đã chuyển hai hộp đen của MH17 – gồm có thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu bay – cho các chuyên gia Malaysia, trong ‘tình trạng tốt’. Nhưng liệu các thông tin trong đó đã bị can thiệp? 

Trả lời câu hỏi này, ông Gleave nói: “Việc can thiệp hộp đen là có thể, nhưng để làm thành công thì phải mất nhiều thời gian hơn là 4 ngày. Ai đó có thể can thiệp vào các hộp thiết bị để làm cho dữ liệu không thể đọc nổi nhưng trong khoảng thời gian ngắn như vậy thì không ai có thể biến dữ liệu giả thành thật với một nguyên nhân tai nạn khác đi được”.  

Thi thể các nạn nhân 

Thi thể của các nạn nhân trong vụ rơi máy bay đã được đưa ra khỏi khu vực do quân ly khai kiểm soát, và chuyển về Hà Lan để nhận dạng. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã cảnh báo rằng quá trình này có thể kéo dài hàng tháng. 

Nhiều lo ngại cũng được dấy lên quanh việc các thi thể được đối xử, bảo quản và vận chuyển như thế nào. 

Ông Francis nói rằng các thách thức lớn cho bất kỳ điều tra khoa học nào còn tùy thuộc vào việc bao nhiêu thi thể được đưa ra khỏi khu vực máy bay rơi. “Chỉ riêng việc tất cả các nạn nhân đã được rời đi khiến cho việc phân tích bất kỳ dữ liệu nào cũng trở nên khó khăn, như việc máy bay đã vỡ thành từng mảng và các hành khách đã thiệt mạng như thế nào”.  

“Các thi thể của người thiệt mạng cần phải làm xét nghiệm pháp y” – ông Gleave nói. Điều này sẽ cho phép các điều tra viên quan sát các vết thương do vật nhọn gây nên, và sẽ củng cố thông tin rằng liệu có bom phát nổ trong máy bay, hay là vụ nổ xảy ra từ bên ngoài khoang máy bay.  

Một số chuyên gia cảnh báo rằng ngay cả việc đối thoại về việc chứng cứ bị làm xáo trộn cũng có thể dẫn tới việc kết quả điều tra bị nghi ngờ. “Những ai không thích kết quả của cuộc điều tra đều có thể tuyên bố là nó không xác thực, vì chẳng có gì được bảo toàn cả” – ông Learmount nói. 

Lê Thu