NATO sẽ phải quyết định tại hội nghị thượng đỉnh tuần này cách thức phản ứng về phương diện quân sự trước các động thái của Nga ở Ukraina, mà không bị lún sâu vào bế tắc nguy hiểm với Moscow.
TIN BÀI LIÊN QUAN: |
Hội nghị NATO diễn ra ở xứ Wales trong hai ngày 4-5/9 sẽ là cơ hội quan trọng, để khối tái xác định vai trò của mình trong một thế giới đang thay đổi.
Một năm trước, NATO được kỳ vọng tập trung đánh giá lại tính thích hợp của liên minh và cuối cùng thì binh lính của họ cũng đã rút khỏi Afghanistan.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại cuộc họp báo ngày 1/9 ở Brussels. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, một năm có rất nhiều sự thay đổi. Các động thái của Nga ở Ukraina và những cuộc thâm nhập qua biên giới châu Âu, một thời được coi là bất khả xâm phạm, đã tạo ra ý thức về mục tiêu mới trong liên minh vốn từng cực thịnh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh này.
Các nhà ngoại giao nay bỗng "như cá gặp nước", liên tiếp lên tiếng cam kết bảo vệ các nước thành viên và ủng hộ cho chủ quyền Ukraina.
Nhưng vượt lên trên những cuộc khẩu chiến leo thang, giới chức NATO giờ đây đang phải đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan: Liệu họ có nên tôn trọng các thỏa thuận thời hậu Chiến tranh Lạnh, khi Moscow dường như phớt lờ, hay là dấn bước trên một đường hướng mới, đặt các nguồn lực quân sự ở ngay cửa ngõ nước Nga? Và nếu chọn vế sau thì họ phải xông xáo tới mức nào?
Câu trả lời có thể thấy rõ trong việc NATO thành lập một lực lượng phản ứng nhanh như thông báo hôm 1/9, sẵn sàng triển khai trong vòng vài ngày, nếu có bất kỳ một khiêu khích quân sự nào nhằm vào một trong 28 thành viên của khối.
Đơn vị quân sự đó - với quân số lên tới hàng nghìn người - lúc nào cũng trong trạng thái báo động cao, với các cơ sở hậu cần bổ sung được thiết lập tại các nước Đông Âu.
"Chúng ta không thể ngờ nghệch", TIME dẫn lời Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tại một cuộc họp báo ở Brussels thềm hội nghị thượng đỉnh. "Chúng ta phải đối mặt với thực tế, Nga đang coi chúng ta là kẻ thù và chúng ta sẽ phải thích ứng với tình huống đó".
Giới phân tích cho rằng, màn phô diễn sức mạnh này là lớn nhất của NATO, khi phản ứng trước những tham vọng quân sự mới trỗi dậy của Nga. Nhưng một ngày sau khi ông Rasmussen vạch ra các chi tiết của lực lượng phản ứng nhanh này, Nga đã đáp trả bằng cách đánh giá lại học thuyết quân sự của chính nước này.
"Thực tế, hạ tầng quân sự của các nước thành viên NATO ngày càng tiến gần hơn tới các biên giới của chúng ta, sẽ khiến nó trở thành một trong những mối đe dọa từ bên ngoài đối với Liên bang Nga", báo TIME dẫn lời cố vấn an ninh Mikhail Popov của Điện Kremlin.
Như vậy, NATO giờ đây phải đối mặt với một hành động cân bằng nhạy cảm.
Mặc dù một số nước đi đầu yêu cầu phản ứng mạnh mẽ nhất trước thái độ của Nga, NATO lại chọn một đường lối trung dung thận trọng hơn - tăng cường hỗ trợ cho các đồng minh mà không đưa ra bất kỳ biện pháp nào nguy cơ đẩy liên minh vào tình thế nguy hiểm với Moscow.
Lực lượng phản ứng nhanh có thể không đi quá xa như một số nước mong đợi. Ba Lan đề nghị 10.000 lính NATO đóng trên lãnh thổ nước này, song bất cứ căn cứ mới lâu dài nào được thiết lập đều vi phạm Hiệp ước Nền móng Nga - NATO (NATO Russia Founding Act) năm 1997 - văn bản có mục đích trấn an Nga về các đường biên giới thời hậu Chiến tranh Lạnh.
Với những nước ôn hòa hơn, trong đó có Đức, thì một bước đi như vậy sẽ là quá xa.
Vấn đề nhạy cảm nữa là liệu NATO có kết nạp thêm thành viên mới? Khi cuộc khủng hoảng Ukraina bắt đầu năm ngoái trong bối cảnh Liên minh châu Âu và Nga xung đột về đường hướng của Ukraina, mối lo thực sự của Moscow là hiệp ước chính trị của Ukraina với EU sẽ là bước đầu tiên để nước này có được tấm thẻ thành viên NATO.
Hồi năm 2008, chỉ vài tháng sau khi NATO nhất trí trên lý thuyết về tư cách thành viên cho Grudia và Ukraine, xe tăng Nga đã lăn bánh vào đất Grudia.
Kể từ đó, NATO càng trở nên thận trọng hơn. Nhưng tuyên bố mới đây của Thủ tướng Ukraina rằng, Kiev sẽ bắt đầu lại nỗ lực giành chiếc thẻ thành viên NATO đã đẩy vấn đề này vào cuộc tranh cãi một lần nữa. Và ở hội nghị xứ Wales năm nay, Grudia cũng sẽ không nhận được chấp thuận chính thức của Kế hoạch Hành động tư cách thành viên. Thay vào đó sẽ có một cam kết về tăng cường hợp tác quân sự và hỗ trợ kỹ thuật.
Trong khi đó, Ukraina không phải là cuộc khủng hoảng duy nhất mà NATO phải đối mặt: Hiện nay còn có chiến tranh và bất ổn ở Iraq, Syria và Libya, và sự phản chiếu của một chiến dịch chắp vá nhằm mang lại hòa bình cho Afghanistan.
Tại hội nghị, các đại biểu được cho là sẽ nhất trí tăng ngân sách quốc phòng, nhưng một số nước có thể sẽ quyết định tăng cường các chính sách bên ngoài liên minh, và điều này có nguy cơ đe dọa đến một lập trường thống nhất của Khối.
"Nếu hội nghị hóa ra là nhạt nhẽo và vô ích thì các nước thành
viên sẽ tự mình hành động nhiều hơn", ông Andrew Wilson thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu ở
London nhận định.
Thanh Hảo