Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa hoàn thành chuyến công du tới Trung Đông, nỗ lực vận động ủng hộ cho cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan ở Iraq và Syria (IS). 


{keywords}
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Ảnh: BBC)


BBC đưa tin, trong chiến dịch nhằm lôi kéo các đồng minh, ông Kerry đã tranh thủ được sự ủng hộ của 10 nước Ảrập, trong đó có Ảrập Xêút và Qatar.

Quy mô và tính chất của IS cho thấy tổ chức này khác biệt với các nhóm thánh chiến khác. IS hiện đã kiểm soát một dải đất rộng lớn trải dài ở Iraq và Syria. Nhà nước Hồi giáo cũng thu về một lượng lớn vũ khí và có các nguồn tài chính dồi dào, mang lại cho họ đặc điểm của một tổ chức bán nhà nước thay vì chỉ là một nhóm khủng bố đơn thuần.

Với tham vọng thành lập một vương quốc Hồi giáo trải rộng ở các khu vực đang kiểm soát, IS chứng tỏ là một mối đe dọa hiện hữu đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Và do có một số lượng lớn các tay súng ngoại quốc tham gia, IS tiềm tàng đe dọa đến cả các nước phương Tây.

Ngoại trưởng Kerry đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ - ít nhất là trên giấy tờ - từ các nước thân trong khu vực.

Một tuyên bố vừa được ký kết nêu ra một loạt biện pháp cần thiết ngoài hành động quân sự: kiểm soát các đường biên giới, chặn nguồn tài chính rót cho IS, nỗ lực chống lại hệ tư tưởng và ngăn các chiến binh nước ngoài gia nhập IS.

Một số đồng minh phương Tây của Washington cũng tỏ ra sốt sắng, với Australia thông báo sẽ gửi 600 người, trước tiên là tới UAE. Nhóm này được tin là bao gồm cả lính đặc nhiệm tới huấn luyện các đơn vị Iraq và Kurd, cùng với 6 chiến đấu cơ FA-18 Super Hornet, tàu chở dầu và máy bay khác.

Pháp có vẻ cũng tham gia về quân sự.

Vấn đề đã được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây ở Wales và thêm nhiều nước có thể sẽ hưởng ứng khi bản chất của sứ mệnh chống IS rõ ràng hơn. Một cựu tướng cấp cao của Mỹ, John Allen, đã được chỉ định giữ vai trò điều phối liên minh sắp được thành lập này.

Mỹ và các đồng minh sẽ không chiến đấu trên thực địa nhưng họ sẽ cung cấp những năng lực chủ chốt – không lực và các phương tiện để đảm bảo thực thi sức mạnh không quân một cách hiệu quả.

Tổng thống Obama đã nêu ra việc sử dụng sức mạnh trên không của phương Tây để giúp các lực lượng Iraq dưới mặt đất. Nhưng ở Syria, tình hình phức tạp hơn nhiều và có thể sẽ không có một lực lượng thân phương Tây được khối Ảrập ủng hộ chiến đấu trên thực địa. Chiến dịch oanh kích của Mỹ có thể sẽ do tình báo dẫn dắt, nhằm triệt hạ ban lãnh đạo và các cơ sở của IS.

Tất cả các tín hiệu phát đi từ London đến nay cho thấy Anh sẽ tham gia dù chưa rõ khi nào nước này thông báo về hành động quân sự, và liệu chỉ dừng ở Iraq hay mở rộng cả sang Syria.

Nhưng Mỹ đã có một quân đội mạnh mẽ, tại sao nước này vẫn cần nhiều đồng minh?

Vì các lý do cả chính trị và thực tế, Mỹ có một di sản cay đắng trong khu vực, với những thất bại sau chiến dịch lật đổ Saddam Hussein. Thực tế này cũng không cải thiện hơn do những gì mà các đồng minh Ảrập của Washington nhìn nhận khi ông Obama do dự và hành động thiếu quyết đoán.

Xây dựng một liên minh rộng khắp rõ ràng là quan trọng cho cả Trung Đông – để thuyết phục người dân rằng đây không phải là một cuộc chiến Iraq thứ 2 – và cho cả công luận Mỹ, để họ tin rằng sẽ không có chuyện dấn sâu vào chiến trường mà sẽ do các đồng minh ở khu vực của Mỹ thực hiện.

Một số lượng lớn quân Mỹ đã chật vật giành “chiến thắng” ở Iraq và Afghanistan. Giờ đây sẽ không có cơ hội cho cam kết về các lực lượng trên bộ của Mỹ, nên phần này của cuộc chiến phải dựa vào các đồng minh trong khu vực.

Câu hỏi chính là: Có thể “phá hủy” thay vì làm suy giảm và kiềm chế IS? Nhiều nhà phân tích Mỹ tỏ ra nghi ngờ mục tiêu triệt hạ IS của Tổng thống Obama vì cho rằng điều đó không thể thực hiện được.

Nhưng dù thế nào thì cuộc chiến chống IS chắc chắn sẽ trường kỳ, không phải bởi các yếu tố sống còn của chiến dịch liên minh, chẳng hạn như các lực lượng Iraq cần được huấn luyện và tích hợp với không lực của phương Tây.

Chiến dịch ở Iraq là một chuyện còn ở Syria lại là chuyện khác. Chính sách của Mỹ và liên minh hướng tới Syria rất phức tạp, do thực tế chính phủ Suria cũng đang chống IS, mà Liên minh lại không có bất kỳ liên hệ nào với Damascus.

Vì vậy, nếu không có một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria thì lãnh thổ nước này có thể vẫn là nơi trú ngụ cho IS, gây khó khăn hơn cho việc triệt hạ tổ chức Hồi giáo cực đoan này.

Thanh Hảo