TIN BÀI KHÁC:
Báo này cho biết, tham nhũng vốn là điểm khơi dậy sự bất bình của người dân đối với chính quyền Viktor Yanukovych và tệ nạn này lan tràn đã chứng tỏ vì sao nền kinh tế Ukraina lại đình trệ trong năm 2012 và 2013. Kiev phải giải quyết vấn đề này một cách cấp thiết, ngay cả khi đang phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ khác về lãnh thổ.
Nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, thì mức độ tham nhũng dưới thời Yanukovych rất lớn. Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk nói rằng, trong 4 năm cầm quyền, chính phủ Yanukovych đã "chôm" 37 tỷ USD của nhà nước - tương đương 1/5 GDP của Ukraina trong năm 2013.
Ukraina đã trải qua biến động lớn về chính trị trong thời gian vừa qua. |
Tham nhũng diễn ra dưới nhiều hình thức. Chính quyền Yanukovych bị cáo buộc đã mua khí đốt tự nhiên với giá rẻ do nhà nước kiểm soát, sau đó bán lại với giá thị trường cao hơn nhiều lần. Đương kim Phó Thủ tướng Volodymyr Groysman ước tính lượng khí đốt trị giá 2,5 tỷ USD đã được bán theo cách này.
Sự nghi ngờ còn dồn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Vào tháng 8/2014, thành phố Lviv đã tổ chức đấu thầu xây một sân bóng đá để tổ chức giải vô địch châu Âu 2012. Hãng Australia Alpine chào mức giá 191 triệu USD, nhưng bị từ chối vì yêu cầu kế hoạch chỉ ở mức 116 triệu USD. Cuối cùng, dự án được trao cho hãng Altkom có trụ sở ở Donestk. Theo các số liệu của chính phủ, tổng chi phí "chốt hạ" lên tới 370 triệu USD.
Ngân hàng Đầu tư châu Âu - dự định tham gia góp vốn xây sân vận động - đã rút lui để phản đối.
Chính phủ mới ở Ukraina đã cáo buộc một số tội danh cho cựu Tổng thống Yanukovych, trong đó có việc ông làm giàu bất hợp pháp, rửa tiền và lạm dụng quyền lực, theo hãng tin RIA Novosti. Nhà lãnh đạo bị lật đổ khẳng định, ông không làm gì sai trái.
Nhiều người cho rằng, việc ông Yanukovych bị lật đổ vào tháng 3 tạo cơ hội cho Ukraina diệt trừ tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề của đất nước này lớn hơn nhiều chứ không chỉ dừng lại ở một chính trị gia hay chính quyền đơn lẻ nào.
Quốc hội mới hiện nay của Ukraina vẫn gồm nhiều triệu phú, trong khi GDP bình quân đầu người ở nước này chưa đến 4.000 USD.
Oleh Rybachuk, Chánh văn phòng của cựu Tổng thống Viktor Yushchenko, đang điều hành một tổ chức phi chính phủ (NGO), chuyên theo dõi các khoản phí tổn minh bạch và thu nhập công khai hợp pháp của 450 thành viên Quốc hội Ukraina từ năm 2007 đến 2012. Tổ chức này phát hiện rất ít các thành viên quốc hội tuyên bố sống bằng thu nhập chính thức của họ.
Và còn nhiều bằng chứng khác cho thấy, dịch vụ công của Ukraina cũng bị tham nhũng hoành hành.
Rõ ràng, diệt trừ tham nhũng ở Ukraina sẽ đòi hỏi các biện pháp ràng buộc, trong đó có cắt giảm chi tiêu của chính phủ, đơn giản hóa hệ thống thuế và thực thi luật bỏ thầu công khai.
Khi đã ký vào Hiệp ước Liên kết với Liên minh châu Âu (EU), Ukraina đã cam kết chấp nhận hàng trăm luật cải tổ, trong khi EU đồng ý cung cấp hỗ trợ kỹ huật để giúp soạn ra luật mới và tái sắp xếp các cơ quan nhà nước. Đấu tranh chống tham nhũng cần được ưu tiên, cũng như xây dựng một hệ thống tư pháp độc lập và vững mạnh.
Thanh Hảo