Thỏa thuận ngừng bắn ở miền đông Ukraina kéo dài đã hơn một tháng và có nguy cơ đổ vỡ trước khi một cuộc tổng tuyển cử nhằm tái thống nhất đất nước được tổ chức.

TIN BÀI KHÁC:


Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, các quan chức lập pháp hàng đầu của Ukraina đã tới các trụ sở của NATO và EU ở Brussels, và trụ sở của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington để vận động sự ủng hộ về cả ngoại giao và kinh tế từ các đối tác mới của Kiev.

{keywords}
Chiến sự dai dẳng ở miền đông đã khiến cho kinh tế Ukraina càng thêm khốn đốn. (Ảnh: EPA)

Ngoại trưởng Pavlo Klimkin đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Tổng thư ký mới của NATO, Jens Stoltenberg - người từng tuyên bố tuần trước rằng sẽ sẵn sàng tìm kiếm các mối quan hệ mang tính xây dựng với Moscow.

"Chiếc ghế Tổng thư ký NATO đã đổi chủ nhưng ưu tiên về tầm quan trọng của Ukraina vẫn được giữ nguyên", ông Klimkin khẳng định trên Twitter sau cuộc gặp. Ông nói rằng, Kiev sẽ đề nghị Ủy ban châu Âu giúp đỡ tài chính cho người dân miền đông Ukraina trụ được qua mùa đông tới.

Trong khi đó, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Ukraina Valeria Gontareva gặp gỡ người đứng đầu IMF Christine Lagarde, với hy vọng đẩy nhanh tốc độ giải ngân khoản vay 17,1 tỷ USD, thậm chí tăng khoản tiền này.

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk phát biểu trước Nội các ở Kiev rằng, bà Gontareva sẽ đề nghị IMF "sửa đổi chương trình của mình, tính đến các thực tế hiện nay".

Thời hạn sắp xếp trong 2 năm của IMF là một phần của gói 27 tỷ USD được thông qua hồi tháng 4, nhằm giúp các lãnh đạo mới của Kiev tránh được nguy cơ phá sản và đưa Ukraina ra khỏi lần suy thoái thứ 3 trong 6 năm. Tuy nhiên, tốc độ trượt dốc của kinh tế Ukraina vẫn càng ngày càng nhanh.

IMF khuyến cáo hồi tháng 9 rằng, Ukraina cần thêm 19 tỷ USD hỗ trợ ngắn hạn nếu chiến sự ở miền đông kéo dài đến cuối năm tới.

Đến nay đã có gần 3.400 người tử vong vì chiến sự ở đông Ukraina kể từ tháng 4. Thương vong tiếp tục xảy ra kể cả khi các lãnh đạo li khai và chính quyền Kiev ký lệnh ngừng bắn được cả Moscow và EU ủng hộ hôm 5/9.

Thay vì tham gia cuộc bầu cử toàn quốc do Kiev tổ chức, các thủ lĩnh li khai định tự bầu cử vào đầu tháng 11, để thành lập chính quyền và quốc hội riêng, đảm bảo tự trị toàn diện và liên minh với Nga.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko kêu gọi Nga thuyết phục quân li khai ở miền đông nối lại đàm phán chính trị, để họ có thể nhận được các quyền hạn lớn hơn trong một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, Moscow khẳng định không liên quan đến cuộc xung đột ở nước láng giềng, và cáo buộc phương Tây cố lôi kéo quốc gia Xô Viết cũ ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga.

Thanh Hảo