Sự 'biến mất' đầy bí ẩn của Chủ tịch Triều Tiên đã làm dấy lên vô số đồn đoán, từ chuyện ông bị ốm cho tới bị lật đổ, thậm chí là đã qua đời...

TIN BÀI MỚI:

Theo Bloomberg View, những gì người ngoài tin mình hiểu về Triều Tiên thường không hẳn đúng. Khi người ta xem ảnh về Triều Tiên, họ nghĩ ngay đến một đất nước nghèo túng, với người dân gầy gò ăn mặc lỗi mốt.

Còn với những ai được đặt chân tới Bình Nhưỡng, họ thường mô tả đã tới một nơi mà người dân rất nghèo và hiếm khi nhìn thấy một ai béo phì. Tuy nhiên, ở thủ đô Triều Tiên ngày nay, nhà hàng bắt đầu mọc lên tới tấp và cảnh giao thông tắc nghẽn cũng đã xảy ra. 

{keywords}
Chủ tịch Kim Jong-un trong một lần thăm nhà máy bánh kẹo. (Ảnh: Rex)

Nền kinh tế Triều Tiên vẫn rất èo uột. Thực tế, từ điểm thấp nhất vào cuối những năm 1990 - khi các ngành nghề nhà nước đổ vỡ và một nạn đói cướp đi mạng sống của khoảng 600.000 người, kinh tế Triều Tiên đến nay vẫn tăng trưởng chậm chạp, nhưng đều đặn. 

Bình Nhưỡng đã ngừng công bố các thống kê từ cách đây nửa thế kỷ, nên rất khó có thể đoán chính xác về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, Ngân hàng Triều Tiên ước tính, trong thập niên vừa qua, tổng sản phẩm quốc nội của nước này tăng trung bình 1,3%. Một số nhà quan sát tin con số thực tế có thể cao hơn một chút, gần 2%.

Đây rõ ràng là một con số khiêm tốn so với mức tăng trưởng cao hơn nhiều ở một số quốc gia Đông Á. (Năm ngoái, Hàn Quốc tăng 3%). Tuy nhiên, nó cho thấy một Triều Tiên có nội lực cao hơn nhiều so với mức mà nhiều người vẫn lầm tưởng.

Thế giới cũng nhận thấy một thành tựu nổi bật vào năm ngoái. Lần đầu tiên trong gần 3 thập niên, nông dân Triều Tiên sản xuất đủ lương thực đáp ứng các nhu cầu sống cơ bản của dân chúng. Và bất chấp tình trạng hạn hán vào mùa xuân, các báo cáo sơ bộ cho thấy mùa màng năm nay có vẻ khá tốt. 

Vào thập niên 1990, sản phẩm công nghiệp ở Triều Tiên giảm một nửa và nền nông nghiệp đổ vỡ đã dẫn tới nạn đói. Đa số người dân sống sót bằng cách thiết lập một nền kinh tế thị trường ngầm. Họ có rất ít lựa chọn. Khi các kệ trong cửa hàng quốc doanh vắng bóng các mặt hàng nông sản thì tem phiếu bỗng biến thành những mảnh giấy vô giá trị.

Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu từ rất nhỏ. Người dân tự bán rau quả mình trồng. Công nhân tự tạo ra sản phẩm để bán. Nhiều người mở nhà hàng, một số khác khâu vá may mặc. Và thị trường dần mở ra.

Một số thành phần trong tầng lớp doanh nhân đang nổi ở Triều Tiên bắt đầu có tiền và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Các phân xưởng tư nhân hay nhà hàng bắt đầu mọc lên ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, thực tế này không thuyết phục được một số nhà quan sát bên ngoài hay hoài nghi, bởi vì họ cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên chỉ hạn chế ở Bình Nhưỡng. Mặc dù vậy, bằng chứng rõ ràng cho thấy, cuộc sống đang ngày càng tốt hơn ở cả các vùng nông thôn tại đất nước khép kín này.

Những cải cách khiêm tốn nhất được thực hiện thầm lặng vào năm 2012 đã được tiến hành sâu rộng hơn trong ngành nông nghiệp. Nông dân Triều Tiên được phép đăng ký lao động cho gia đình mình và được phép giữ lại 1/3 những gì họ sản xuất được (phần còn lại nộp cho Nhà nước). 

Bình Nhưỡng được nhiều ưu tiên, với người dân thủ đô được hưởng những gì mà dân nông thôn coi là xa xỉ - chẳng hạn như các căn hộ được cấp nước nóng. Trong thập niên vừa qua, khoảng cách này càng ngày càng gia tăng.  

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nông thôn Triều Tiên vẫn giậm chân tại chỗ. Trên giấy tờ, việc buôn bán bất động sản bị cấm nhưng thực tế nó vẫn diễn ra thường xuyên.

Trong vòng 15 năm qua, mức giá ở Bình Nhưỡng tăng gần gấp 10 lần, phản ánh sức mua ngày càng tăng của người dân. Một căn hộ ba phòng ngủ sạch đẹp hiện nay có giá khoảng 70.000USD. Ở nông thôn, một căn hộ tương tự có giá chừng 15.000USD, cao hơn 7 lần so với hồi những năm 2000.

Đến lúc này thì người dân chúng Triều Tiên vẫn đang phải lo lắng với cơm áo gạo tiền hàng ngày và những đồn đoán Kim Jong Un bị lật đổ dường như là không có cơ sở. 

Thanh Hảo