Độ nguy hiểm của các chiến binh nước ngoài tại Iraq và Syria đối với phương Tây lớn mức nào? Đó là một câu hỏi nằm trong suy nghĩ của rất nhiều nhà bình luận và hoạch định chính sách, đặc biệt khi Tổng thống Barack Obama thông báo Mỹ sẽ tăng cường vai trò quân sự trong khu vực.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Liệu các chiến binh đó có trở về và dùng kinh nghiệm cùng các kỹ năng tích lũy được chống lại đất nước mình hay không? Hay mối đe dọa tiềm tàng của họ bị thổi phồng?

Theo hãng tin CNN, câu trả lời phụ thuộc vào những gì Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS) quyết định làm với họ. Đến giờ, các nhóm thánh chiến ở Syria vẫn chưa chỉ đạo quân tấn công ở phương Tây một cách có hệ thống. Nhưng nếu chúng quyết định "vũ khí hóa" các chiến binh của mình, thì chắc chắn vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với hiện tại.

{keywords}
IS ngày càng chống phương Tây mạnh mẽ hơn. (Ảnh: Huffingtong Post)

Kể từ năm 2011, khoảng 3.000 người Hồi giáo phương Tây đã kéo về Syria để gia nhập các nhóm nổi dậy cực đoan. Và chắc chắn một vài cá nhân trong số họ sẽ trở thành một mối đe dọa khủng bố khi trở về quê hương.

Điều đó đã từng xảy ra, khi các tay súng Syria bị nghi có liên quan tới một vụ tấn công thành công và ít nhất 6 vụ tấn công bất thành ở châu Âu và Australia trong năm qua.

Vậy liệu các chiến binh ngoại quốc ở Syria hiện nay có là mối đe dọa hay không và ở mức độ nào?

Theo các chuyên gia, điều này phụ thuộc vào mức độ mà một nhóm trong vùng xung đột nhắm tới phương Tây. Chẳng hạn, khu vực Afghanistan - Pakistan có tỷ lệ cao, vì đây là thành trì của al-Qaeda, tổ chức mà mục đích chính là tăng cường tấn công ở phương Tây.

Al-Qaeda rất điêu luyện trong việc tiếp nhận các chiến binh nước ngoài tham gia chiến đấu với Taliban và thuyết phục họ quay lại tấn công ở châu Âu và Mỹ.

Hầu hết các nhóm thánh chiến khác, ngay cả các chi nhánh của al-Qaeda, hiện nay không chú trọng lắm đến chiến lược này. Thực tế họ chỉ dùng khẩu chiến chống phương Tây, còn mọi nguồn lực được đầu tư vào chiến dịch ở địa phương.

Đến thời điểm này, IS cũng tương tự. Không nhiều người cho rằng, IS đã vạch ra được một chiến lược hoạt động toàn cầu trực tiếp và lâu dài. Đó là một trong những lý do tại sao tỷ lệ tấn công "dội ngược" xuất phát từ Syria vẫn rất thấp.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu phương Tây can thiệp vào Iraq và Syria có khiến IS mở rộng hành động ra toàn cầu hay không. Tổ chức này đã theo đuổi lập trường chống phương Tây mạnh mẽ hơn trong vài tháng qua và liên tục dọa sẽ tấn công Mỹ. IS cũng đã chặt đầu các con tin Mỹ ở Syria.

Trong một thông điệp đáng chú ý, phát ngôn viên IS Abu Muhammad al-Adnani còn kêu gọi những người ủng hộ trên toàn thế giới hãy tấn công các thành viên của liên quân do Mỹ đứng đầu, theo bất cứ cách nào có thể.

Do vậy, ngay cả khi mối đe dọa tấn công từ các chiến binh nước ngoài của IS vẫn thấp, thì nguy cơ về các cuộc tấn công này ở phương Tây vẫn hiện hữu. Và nếu IS bắt đầu "vũ khí hóa" các tân binh phương Tây một cách chiến lược, thì nguy cơ này chắc chắn sẽ lớn hơn và phức tạp hơn nhiều.

Thanh Hảo