Hồi tháng 9, Mỹ đã nã tên lửa hành trình xuống sào huyệt của nhóm Khorasan,
một chi chánh khủng bố al-Qaeda ở Syria.
TIN BÀI KHÁC:
Tuy nhiên, kể từ sau thông báo đó, Khorasan không còn được nhắc đến tên. Có thể nhóm đã gia nhập vào đối tác Al Nusra (cũng là một chi nhánh al-Qaeda) hoặc không còn là một mối đe dọa nghiêm trọng với phương Tây nữa.
Chưa rõ điều gì đã xảy ra với nhóm khủng bố Khorasan sau khi bị Mỹ oanh kích. (Ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu ngày 23/9 sau khi tuyên bố mở chiến dịch không kích ở Iraq và Syria, Tổng thống Barack Obama nói rằng các thành viên Khorasan chính là "các phần tử al-Qaeda dạn dày kinh nghiệm ở Syria".
"Và một lần nữa, cần phải nói rõ với bất kỳ kẻ nào muốn âm mưu chống lại nước Mỹ và tìm cách làm hại người Mỹ rằng, chúng tôi sẽ không tha cho nơi trú ẩn của bọn khủng bố đe dọa người dân của chúng tôi", ông Obama nói.
"Đây là một nguyên tắc cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi: Nếu các người dọa nước Mỹ, các người sẽ không còn chỗ trú ẩn an toàn".
Sau các cuộc tấn công nhằm vào Khorasan, Thiếu tướng Mỹ John Kirby xác nhận 2 thủ lĩnh của Khorasan đã bị trừ khử. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khác của Mỹ sau đó lại nói rằng chưa rõ hai đối tượng này đã bị tiêu diệt hay chưa và vẫn có khả năng nhóm đang lên kế hoạch tấn công.
Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ bình luận trên tạp chí Foreign Policy rằng "một đánh giá nhưng không có bằng chứng cụ thể rằng thủ lĩnh Khorasan cùng thuộc hạ đã bị giết". Còn Giám đốc FBI James Comey thì quả quyết trên chương trình "60 phút" của đài CBS rằng, nhóm khủng bố này vẫn đang tìm cách sớm tấn công nước Mỹ.
Có những bằng chứng cho thấy khả năng Khorasan đã nhập vào Al Nusra, một chi nhánh al-Qaeda ở Syria.
Báo International Business Times đưa tin hồi tháng 9 rằng các tài liệu của Liên Hợp Quốc kết luận thủ lĩnh của Khorasan có quan hệ gắn bó với các thủ lĩnh của Al Nusra. Do vậy, rất có thể sau các cuộc không kích của Mỹ, Khorasan đã chính thức trở thành một phần của Al Nusra.
Tuy vậy, một khả năng khác là Mỹ đã "bỏ qua" Khorasan, vì tổ chức này không còn là mối đe dọa đối với phương Tây.
Hiện tại, Mỹ đang dồn chú ý và nguồn lực quân sự vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS. Tiêu diệt IS ở những nơi như Kobani (Syria) và Erbil (Iraq) dường như đang là một nhiệm vụ khẩn thiết hơn đối với Washington.
Thanh Hảo