Năm 2014 sắp trôi qua với đầy ắp những sự kiện quan trọng, từ khủng hoảng Ukraina, sự trỗi dậy của IS tới những bí ẩn về chuyến bay MH370.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Tháng 1
Biểu tình tiếp diễn ở Ukraina: Các cuộc biểu tình lớn ở Ukraina kéo dài suốt tháng 1, khiến Quốc hội nước này vội vã thông qua hàng loạt biện pháp kiềm chế người phản đối. Bạo lực bùng nổ, người biểu tình tấn công cảnh sát, máu bắt đầu đổ.
Chiến binh Sunni chiếm Falluja và nhiều khu vực khác ở Ramadi: Nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria chiếm Fallujah và hầu hết các khu vực ở Ramadi - hai thành phố ở Anbar vốn là thành trì của người Sunni và là nơi xảy ra các trận chiến lớn trong thời gian Mỹ dẫn dắt cuộc xâm chiếm Iraq.
Các cuộc thương thuyết về bất ổn ở Syria diễn ra ở Geneva: Những cuộc thương thuyết giữa chính phủ Syria và các thành viên quân đối lập, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ảrập Xêút, do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian, được mong chờ từ lâu đã bắt đầu.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã mời Iran tham dự vào phút chót song ngay lập tức lại rút lại lời mời với đồng minh thân cận nhất của Syria, khi nước này từ chối công nhận các điều khoản của cuộc thương thuyết, vốn yêu cầu ông Assad phải rút lui để lập một chính phủ chuyển giao ở Syria. Trong khi hy vọng về một thỏa thuận hòa bình chỉ là le lói, thì việc đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán đã được coi là một tiến bộ.
Tháng 2
Bước ngoặt bạo lực ở Ukraina: Ngày 20/2, xung đột nổ ra giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình, khi những người phản đối chính quyền định giành lại một số khu vực ở Quảng trường Độc lập, một trung tâm thương mại ở Kiev mà cảnh sát đã chiếm hai ngày trước đó. Hơn 100 người thiệt mạng trong các vụ xung đột mới nhất, 67 cảnh sát bị người biểu tình bắt giữ.
Hai ngày sau, Tổng thống Yanukovich rời khỏi Kiev và một chính phủ lâm thời được thiết lập. Tới 27/2, biểu tình phản đối các bước ngoặt nổ ra ở Crưm, khu vực thân Nga ở đông Ukraina.
Tội phạm bị truy nã gắt nhất thế giới sa lưới: Trùm buôn lậu thuốc phiện Joaquin Guzman Loera, bí danh là El Chapo, bị lính thủy đánh bộ Mexico và các điệp vụ Mỹ tóm tại thành phố nghỉ mát Mazatlan, Mexico.
Tháng 3
Nga đưa quân tới Crưm, sáp nhập khu vực này: Tổng thống Nga Putin phái quân đội tới Crưm, với lý do cần bảo vệ người Nga khỏi các phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan - vốn là những người biểu tình chống chính phủ ở Kiev. Quân đội Nga bao vây các căn cứ quân sự Ukraina.
Ngày 3/3, quân Nga kiểm soát Crưm. Động thái này khiến nhiều nước bất bình và lên án. Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố, hành động của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế và áp đặt trừng phạt với các quan chức, cố vấn và một số người ở Nga. Tiếp đó, chính quyền Crưm tuyên bố trưng cầu dân ý, đa phần người dân ủng hộ sáp nhập Nga.
Triều Tiên thử tên lửa, đấu pháo với Hàn Quốc: Ngày 26/3, Triều Tiên thử nghiệm hai tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng chạm tới Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. Đây là vụ thử đầu tiên của Triều Tiên kể từ năm 2009.
Bốn ngày sau, Triều Tiên đe dọa tiến hành thử hạ nhân nhằm nâng cao năng lực hạt nhân phòng thủ. Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hàn Quốc. Sau cuộc khẩu chiến, Triều Tiên và Hàn Quốc đấu pháo qua biên giới tranh chấp trên biển.
Máy bay Malaysia Airlines mất tích bí ẩn: Chuyến bay mang số hiệu MH370 trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh đã biến mất bí ẩn khoảng một tiếng sau khi cất cánh.
Chiếc máy bay Boeing 777-200ER chở 12 phi hành đoàn và 227 hành khách tới từ 15 quốc gia mất tích một cách kỳ bí, bất chấp những nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia. Tới giờ, vẫn chưa tìm thấy mảnh vỡ máy bay nào cũng như địa điểm nó lao xuống.
Tháng 4
Nhật dỡ bỏ lệnh cấm đã tồn tại nhiều thập niên: Thủ tướng Shinzo Abe và nội các đã phê chuẩn một biện pháp nhằm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí - một lệnh cấm mà nước này tự áp đặt từ năm 1967. Theo chính sách mới, lệnh cấm bán vũ khí vẫn áp dụng với những nước đang có xung đột và những nước có thể gây hại cho hòa bình quốc tế.
Tháng 5
Đảo chính quân sự tại Thái Lan: Ngày 20/5, Tham mưu trưởng lục quân - tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố thiết quân luật trên toàn đất nước. Ông nói động thái trên là nhằm khôi phục hòa bình và yêu cầu hai phía ngừng biểu tình. Tướng Prayuth khẳng định, quân đội không tiến hành đảo chính như đã từng làm và khuyên mọi người không hoảng loạn.
Tuy nhiên, hai ngày sau đó, vị tướng này thông báo, thực tế là ông đã nắm quyền lãnh đạo đất nước từ chính phủ lâm thời trong một cuộc đảo chính.
Đây là cuộc đảo chính quân sự lần hai tại Thái Lan trong vòng chưa đầy 10 năm.
Tháng 6
Hong Kong tổ chức trưng cầu dân ý không chính thức: Một nhóm ủng hộ dân chủ ở Hong Kong mang tên "Chiếm giữ trung tâm" đã tổ chức thăm dò không chính thức về việc bầu trưởng đặc khu vào năm 2017. Tiếp sau cuộc trưng cầu là những tuần lễ biểu tình kéo dài, ủng hộ dân chủ.
IS kiểm soát Mosul: Quân khủng bố cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát Mosul ở bắc Iraq, và giáng cho Chính phủ Iraq một đòn mạnh, không ngờ. IS thả các phần tử nổi dậy Sunni khỏi nhà tù, cướp phá ngân hàng và chiếm một sân bay, nhiều tòa nhà chính phủ và quân đội, đồn cảnh sát.
Tháng 7
Mỹ, EU áp đặt trừng phạt mới với Nga: Tổng thống Obama tuyên bố áp đặt trừng phạt mới với Nga do căng thẳng gia tăng giữa lực lượng Chính phủ Ukraina và quân ly khai ở dọc biên giới Ukraina. Đây là vòng trừng phạt mạnh nhất nhằm vào Nga, và nhắm tới các công ty quốc phòng, năng lượng, ngân hàng lớn.
Máy bay của Malaysia bị bắn rơi ở đông Ukraina: Chuyến bay mang số hiệu MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur bị bắn rơi ở đông Ukraina, gần biên giới với Nga làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Vụ việc xảy ra ở khu vực đang có giao tranh giữa quân chính phủ và ly khai Ukraina.
Tháng 8
Mỹ không kích có giới hạn vào IS: IS dọa giết toàn bộ người Cơ đốc giáo không cải đạo Hồi ở Mosul. Nhóm khủng bố này chặt đầu con tin nước ngoài - phóng viên Mỹ James Foley, 40 tuổi, dường như để đáp trả các cuộc không kích của Mỹ.
Để chặn bước tiến của IS, Tổng thống Obama phê chuẩn không kích có giới hạn vào IS. Đây không phải là một chiến dịch lớn như hồi Iraq song nó đánh dấu sự quay lại Iraq lần đầu tiên của quân Mỹ từ 2011. Tiếp sau cái chết của Foley, Mỹ đẩy mạnh không kích IS.
Tháng 9
IS liên tiếp chặt đầu con tin nước ngoài: IS tung ra một cuốn phim chặt đầu nhà báo Mỹ Steven Sotloff, 31 tuổi, làm việc cho Time và bị bắt cóc ở Syria năm 2013. Tiếp sau đó, IS lại tử hình con tin thứ 3, một nhân viên cứu trợ người Anh, 44 tuổi.
Tiếp sau các sự kiện, một loạt nước như Bahrain, Jordan, Qatar, Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đã gia nhập chiến dịch không kích chống IS của Mỹ.
Scotland bỏ phiếu tách khỏi Anh: Trong một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, 55% cử tri Scotland đã bỏ phiếu nhất trí tiếp tục là một phần của Anh. Một lượng cử tri cao kỷ lục đã tham gia cuộc thăm dò, hơn 4,2 triệu người, và trả lời câu hỏi: Scotland có nên trở thành một quốc gia độc lập.
Tháng 10
Dịch Ebola bùng phát từ mầm bệnh nhỏ: Trước khi con virus chết người này hoành hành ở Tây Phi, trước khi số người tử vong vì Ebola lên tới hàng nghìn và trước khi dịch này khiến toàn cầu run sợ, Ebola đã tấn công một em nhỏ tên là Emile Ouamouno.
Loại virus chết người này lây lan nhanh, từ động vật qua người thông qua dịch hoặc mô cơ thể. Tới giờ, hơn 5.000 người đã thiệt mạng vì Ebola.
Tháng 11
Trung Quốc, Mỹ đạt thỏa thuận bước ngoặt. Ngày 11/11, sau nhiều tuần bàn bạc, Mỹ và Trung Quốc đi tới một thỏa thuận về thay đổi khí hậu mang tính bước ngoặt. Bắc Kinh cam kết dùng các nguồn năng lượng sạch, còn Washington ấn định mục tiêu mới về giảm khí thải carbon. Bước đi của Trung Quốc và Mỹ được kỳ vọng sẽ là tấm gương để các nước khác học tập.
Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Đảng Cộng hòa đã chiến thắng vang dội ở bầu cử giữa kỳ, nắm quyền kiểm soát Thượng viện, tăng số đại diện ở Hạ viện.
Tháng 12
Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong đầu hàng: Sau các cuộc biểu tình chiếm đóng khu vực trung tâm kéo dài nhiều tuần lễ, ba lãnh đạo cuộc biểu tình đầu hàng cảnh sát.
Thông báo của các thủ lĩnh "Chiếm đóng trung tâm" được đưa ra sau khi xảy ra các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát. Nhóm biểu tình muốn Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch sàng lọc ứng viên cho cuộc bầu cử bầu lãnh đạo Hong Kong năm 2017, và muốn chính quyền thương lượng với Bắc Kinh về sự sắp đặt chính trị này.
Triều Tiên bị nghi tấn công Sony Pictures: Triều Tiên bị nghi là đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures, để ngăn hãng này ra mắt bộ phim nói về âm mưu ám sát Kim Jong Un. Vụ tấn công làm một số bộ phim chưa trình chiếu của hãng này bị rò rỉ trên mạng.
- Hoài Linh