Khoảng 400 thủy thủ Nga đã rời khỏi một cảng của Pháp trong ngày 18/12 nhưng không có thứ họ muốn: Một tàu chiến trị giá 1 tỷ Euro mà Moscow đặt mua từ Paris.

TIN BÀI KHÁC:

Tàu chở máy bay mang tên Vladivostok đã trở thành "con tin" trong cuộc xung đột Đông - Tây căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Chiến hạm này là một phần trong thỏa thuận vũ khí gây chia rẽ hiện đang bị đình lại, thậm chí có nguy cơ sụp đổ. Nguyên nhân bắt nguồn từ khủng hoảng ở Ukraina.

Pháp nhận đóng tàu cho Hải quân Nga nhưng Paris đã phải cân nhắc lại trong bối cảnh chịu sự chỉ trích nặng nề, nhất là từ Mỹ, về hợp đồng này.

{keywords}

Người dân đứng xem tàu Smolny của Hải quân Nga rời đi, mang theo 400 thủy thủ sau một thời gian huấn luyện và chờ nhận tàu Vladivostok ở Pháp. (Ảnh: AP)

Sau nhiều tháng huấn luyện trên tàu, các thủy thủ Nga đã rời cảng ở thị trấn Saint-Nazaire "trắng tay". Tàu Vladivostok vẫn còn mới tinh đậu ở xưởng. Con tàu thứ 2 đang được đóng theo thỏa thuận giữa Nga và Pháp cũng ở đó.

Một quan chức cấp cao của Pháp tham gia đàm phán thương vụ này năm 2009, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Herve Morin, giờ đây lại quay ra phản đối. Việc ông thay đổi quan điểm phản ánh mối quan hệ đang thay đổi với Nga, một đối tác thương mại và nguồn cung năng lượng quan trọng của Pháp. Nó cũng cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ chính quyền Paris.

Khi được ký kết, hợp đồng mua bán này đã cứu một nhà máy đóng tàu của Pháp khỏi nguy cơ phá sản vào thời điểm mà Tổng thống Nicolas Sarkozy đang cố gắng vực dậy nền kinh tế. "Thỏa thuận lớp Mistral được xem như một dây cứu đắm bất ngờ" đối với STX France, hãng mà nhà nước Pháp sở hữu 33% vốn.

Tổng thống Nga khi đó, Dmitry Medvedev, bình luận hợp đồng là một "biểu tượng lòng tin giữa hai nước chúng tôi" khi Nga tìm cách hiện đại hóa cỗ máy quân sự đã lỗi thời của mình.

Tuy nhiên, thương vụ mua bán tàu - cho phép Nga đổ bộ hàng trăm binh sĩ nhanh chóng lên lãnh thổ nước ngoài - đã khiến nhiều láng giềng của Nga lo ngại, trong đó có 3 quốc gia Baltic thuộc liên minh quân sự NATO.

Và nó trở thành một vấn đề đau đầu của Francois Hollande, người kế nhiệm của ông Sarkozy. Đương kim Tổng thống Pháp đã quyết định đình hợp đồng lại, viện dẫn "các điều kiện chưa được đáp ứng" để giao tàu. Hồi tháng 10, ông chính thức tuyên bố hoãn cho đến khi "có thông báo thêm".

Phía Nga cho biết sẽ chờ đợi quyết định cuối cùng từ Pháp đến tháng 2, và Pháp có nguy cơ phải trả 1 tỷ Euro vì không hoàn thành hợp đồng, theo một quan chức cấp cao Pháp và một nhà ngoại giao Nga giấu tên. Nguồn tin Pháp nói Nga đã trả một phần lớn trong tổng giá trị hợp đồng 1,2 tỷ Euro (1,48 tỷ USD).

Ở cảng Saint-Nazaire, hai con tàu vẫn hiện diện nhưng được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai cùng với các nhân viên an ninh. Tàu lớp Mistral này có thể chở 700 lính, 16 trực thăng gắn súng máy và 50 xe bọc thép. Tàu chiến thứ hai - có tên Sevastopol theo tên cảng ở Crưm - dự kiến sẵn sàng đi vào hoạt động vào mùa thu năm 2015.

Khoảng 400 thủy thủ Nga - tương đương hai thủy thủ đoàn cho 2 tàu chiến - đã đến Saint-Nazaire ngày 30/6. Họ được huấn luyện trên Vladivostok, trên cạn và trên biển như một phần của thỏa thuận. Thế nhưng, trên bờ biển Pháp, họ ăn và ngủ trên tàu của mình, chiếc Smolny, trước khi rút về nước ngày 18/12.

Thanh Hảo