Các nỗ lực ngoại giao đang được thực hiện rốt ráo nhằm chấm dứt chiến sự bùng phát trở lại ở đông Ukraina.

TIN BÀI KHÁC:


Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có các cuộc họp khẩn ở thủ đô Kiev, đưa ra một sáng kiến hòa bình mới. Ngoại trưởng John Kerry, người cũng đang có mặt ở Kiev, nhấn mạnh rằng Mỹ muốn một giải pháp ngoại giao song sẽ không làm ngơ trước "sự can thiệp của Nga".

{keywords}
Các nhà lãnh đạo Đức, Ukraina và Pháp gặp nhau ở Kiev hôm 5/2. (Ảnh: Reuters)


Trong một thông báo, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko cho biết, các cuộc hội đàm với bà Merkel và ông Hollande "mang lại hy vọng... về một thỏa thuận ngừng bắn". Trước đó, ông cũng cám ơn các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vì họ đã đến vào "một thời điểm rất khẩn thiết".

Các nguyên thủ Đức và Pháp không đưa ra bình luận công khai sau cuộc họp sáng ngày 5/2.

Trước thềm cuộc gặp, ông Hollande và bà Merkel đã nêu ra một đề xuất hòa bình mới dựa trên "sự toàn vẹn lãnh thổ" của Ukraina mà có thể "được tất cả các bên chấp nhận".

Trong hôm nay (6/2), hai người sẽ gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow. Một phát ngôn viên của điện Kremlin cho biết ông Putin sẽ thảo luận "một hồi kết nhanh nhất có thể cho cuộc nội chiến ở đông nam Ukraina".

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Kerry, Thủ tướng Ukraina Arseniy Yatsenyuk nói: "Chúng tôi cần phải đạt được hòa bình. Nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ tính đến điều gì phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ... của Ukraina".

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền của Ukraina, cho rằng Nga đang hành động mà "không bị trừng phạt", vượt qua biên giới Ukraina "cùng với vũ khí và nhân sự".

"Chúng ta đang chọn một giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao - nhưng bạn không thể có hòa bình một chiều", ông Kerry nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm, Tổng thống Barack Obama vẫn "xem xét tất cả các lựa chọn", trong đó có khả năng cung cấp "vũ khí phòng thủ" cho Ukraina do bạo lực leo thang nguy hiểm.

Đến nay, Washington mới chỉ cung cấp sự hỗ trợ "phi sát thương" cho Kiev.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố bất kỳ quyết định nào của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraina sẽ "gây nguy hiểm lớn cho quan hệ Nga - Mỹ".

Hiện chưa rõ nỗ lực mới nhất sẽ tạo ra khác biệt như thế nào nhưng có đồn đoán rằng ông Hollande và bà Merkel hy vọng sẽ can ngăn Washington cung cấp vũ khí cho Kiev.

Giao chiến giữa các lực lượng li khai thân Nga và quân chính phủ ở miền đông Ukraina đang leo thang. Theo các số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay đã có hơn 5.400 người thiệt mạng.

Ukraina và phương Tây cáo buộc Nga vũ trang cho quân nổi dậy ở miền đông và đưa quân thường trực qua biên giới sang nước láng giềng. Moscow phủ nhận vai trò trực tiếp, chỉ thừa nhận một số tình nguyện viên Nga đnag chiến đấu cùng phe li khai.

Thanh Hảo