Chiếc máy bay ATR72-600 của hãng TransAsia với hơn 50 người trên khoang đã gặp nạn vài ngày trước, khiến 32 người thiệt mạng khi rơi xuống con sông ở Đài Loan.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Những câu chuyện bất ngờ và đầy cảm động trên chuyến bay số hiệu GE235 xấu số đó vẫn được viết tiếp.

{keywords}
Thân máy bay của TransAsia được trục vớt sau khi rơi xuống sông. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, viên phi công Liao Chien-tsung, 42 tuổi, lái chiếc máy bay được coi là người hùng khi ông đã hết sức cố gắng điều khiển máy bay cho tới phút cuối cùng.

Thi thể của ông Liao cùng với cơ phó được tìm thấy trong buồng lái sau khi chiếc máy bay được trục vớt. Tay của ông Liao vẫn nắm chặt cần lái. Chân của cả hai phi công đều bị gãy.

"Họ đã tìm cách cứu chiếc máy bay cho tới phút cuối cùng" - truyền thông Đài Loan trích lời các công tố viên điều tra vụ việc cho biết.

Các quan chức cho biết thêm là con số thương vong sẽ còn lớn hơn thế nếu như máy bay đâm vào các tòa nhà.

15 người sống sót trong vụ tai nạn này. Hiện còn 12 người vẫn mất tích.

Người sống sót

Cũng trong vụ tai nạn, nhiều tình huống bất ngờ và cảm động đã xảy ra.

NBC cho hay, ông Huang Jin-sun, 72 tuổi, là một trong số 15 hành khách thoát nạn. Ông kể lại ông đã có thể cứu bốn hành khách khác bị kẹt trên ghế trong khi thân máy bay đang chìm dần xuồng nước.

'Tôi thấy những người khác đang chết đuối dần. Nếu như di chuyển nhanh hơn thì tôi đã có thể cứu và họ đã không chết" - ông Huang kể lại.

"Ngay khi cất cánh tôi đã cảm thấy điều gì đó không ổn. Tôi nói với người phụ nữ ngồi cạnh rằng chúng ta nên cài dây thắt lưng, giữ chặt ghế và ôm lấy đầu. Tôi vừa nói dứt lời thì máy bay rơi" - ông Huang nói trong bệnh viện.

May mắn kỳ diệu

Một số hành khách khác lại may mắn thoát chết và lý do có thể là nhờ việc đổi chỗ ngồi.

Vì lúc cất cánh, máy bay quá ồn nên ông Lin Ming-wei và gia đình đã yêu cầu chuyển chỗ. Sau khi máy bay gặp nạn, ông đã tìm cách thoát ra khỏi thân máy bay và tìm đứa con nhỏ trong vùng nước nông, đầy bùn của sông Keelung.

Ba phút sau, ông nhìn thấy chân con mình dưới nước.

"Khi lôi thằng bé ra, Lin đã không nghe được nhịp tim của cháu nữa" - anh trai của ông Lin Ming-wei kể lại. "Môi nó tím tái và không còn chút sự sống nào".

Nhưng vì đây là con trai duy nhất, nên ông Lin đã không từ bỏ mọi phương cách có thể.

"Đây là đứa con duy nhất của tôi. Tôi đương nhiên phải cứu nó, tôi không thể mất nó" - Lin kể.

Sau tất cả nỗ lực của người cha, cậu bé 2 tuổi rưỡi đã sống lại và được đưa vào bệnh viện.

"Em trai tôi rất biết ơn đội cứu hộ và cả phi công. Bởi nhờ có hành động quả cảm mà phi công đã cứu được rất nhiều người" - anh trai ông Lin nói.

Thoát chết nhờ đổi ghế

Các báo cáo ban đầu cho biết, cả gia đình ông Lin may mắn thoát chết một phần là nhờ đã thay đổi chỗ ngồi trước khi máy bay cất cánh.

Ngoài ra, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng còn cho biết vợ chồng bà Shih Chiu-mei cũng là người sống sót nhờ đổi sang hàng ghế bên thân phải máy bay.

Hàng ghế họ ngồi trước đó chính là vị trí bị đâm xuống nước trước tiên khi máy bay rơi xuống sông.

"Ông ấy sống sót là nhờ vậy" - bà Shih nói về chồng mình.

Bà Shih cho biết là khi máy bay rơi xuống sông, phần thân bên trái bị ngập trong nước và bùn.

Khi đó, chồng bà không thể tháo được chốt của dây thắt an toàn, một người đàn ông đã giúp ông ấy mở chốt.

"Chồng tôi nói rằng chúng tôi phải tìm người đàn ông đó để cảm ơn" - bà Shih nói thêm là họ đã biết người đó chính là ông Huang Jin-sun.

Lê Thu