Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2015, quân đội Trung Quốc hiện có hàng chục tên lửa đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới hầu hết toàn bộ nước Mỹ.
Tờ Business Insider dẫn báo cáo hàng năm trình Quốc hội Mỹ tập trung vào việc hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, các kế hoạch tấn công có thể xảy ra, các tiến bộ về công nghệ không gian và các tiềm lực tên lửa ngày càng tối tân của Trung Quốc.
Theo đó, tiềm lực vũ khí thông thường của Trung Quốc đang cải thiện đáng kể. Nhưng Bắc Kinh giờ đây sở hữu thứ được gọi là vũ khí quân sự tối tân nhất cho một cường quốc đang trỗi dậy: đó là khả năng bắn đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ nơi nào trên trái đất (ít nhất là cho tới bên ngoài Nam Mỹ).
Bản đồ dưới đây trích trong báo cáo đã làm nổi bật tầm bắn tối đa của tên lửa tầm trung và đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc (ICBM).
Tầm bắn tối đa của các tên lửa tầm trung và đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc. |
Tên lửa có tầm xa nhất là CCS-4 có thể bắn tới hầu hết lục địa Mỹ (trừ bang Florida).
CCS-4 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, và được đặt dưới các hầm ngụy trang trên khắp Trung Quốc. Bắc Kinh có chừng 50-60 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đặt dưới các hầm ngụy trang.
Tên lửa có tầm bắn xa thứ hai là DF-31, có thể bắn tới phần lớn vùng duyên hải Thái Bình Dương cùng với một số nơi ở phía Tây nước Mỹ. Khác với CSS-4, DF-31A là tên lửa gắn trên bệ phóng di động.
Điều này cũng có nghĩa là Bắc Kinh có thể di chuyển các ICBM tới rất nhiều nơi khác nhau trên khắp đất nước, để nhắm bắn tới nhiều mục tiêu khác nhau mà vẫn tránh được các đợt không kích từ bên ngoài.
Tên lửa DF-31, CSS-3, và CSS-5 đều là tên lửa gắn trên bệ phóng di động trên bộ, có tiềm lực hạt nhân. Cả ba loại tên lửa này đều dùng để phòng thủ trong khu vực trước các đối thủ chẳng hạn như là Nga, Ấn Độ.
Tàu ngầm lớp JIN của Trung Quốc |
Trung Quốc còn có tên lửa JL-2 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân, phóng trên biển. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, JL-2 có thể được trang bị cho tàu ngầm lớp JIN để làm lá chắn hạt nhân. Lầu Năm Góc dự kiến tàu ngầm lớp JIN sẽ bắt đầu tham gia tuần tra vào năm 2015.
Bước tiến trong phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự phát triển tại các quốc gia mà Trung Quốc coi là đối thủ chiến lược của họ.
Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc hiện đại hóa lực lượng tên lửa là bởi ‘các bước tiến không ngừng của Mỹ và trong phạm vi nhỏ hơn, đó là chiến lược ISR của Nga [Tình báo, Trinh sát, Do thám], các tiềm lực không kích chính xác và phòng thủ tên lửa”.
Tương tự, lực lượng hạt nhân của Ấn Độ cũng đặt sức ép lên Trung Quốc, buộc Bắc Kinh không ngừng nâng cấp và cải thiện tiềm lực của mình.
Lê Thu