Các chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il thường được giữ bí mật từ đầu tới cuối song mới đây Nhật báo Trung Quốc đã hé lộ phần nào những điều công chúng chưa biết.
TIN LIÊN QUAN:



Bắc Kinh vén màn bí ẩn

Sau khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il kết thúc chuyến thăm Trung Quốc từ 20-26/5, Bình Nhưỡng ra tuyên bố nói, sẽ không bao giờ giao du với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và chính phủ của ông này, đồng thời buộc tội Seoul có những cáo buộc sai nhằm vào Bình Nhưỡng, huỷ hoại những nỗ lực hoà giải.

Nhiều hãng truyền thông phương Tây và Hàn Quốc đưa ra phán đoán về cái gì đứng sau tuyên bố của Triều Tiên, chất thêm những lời đồn đại về chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim, chuyến thăm đã bị coi là bí ẩn từ trước đó.

Bài báo của Nhật báo Trung Quốc khẳng định, lập trường của Trung Quốc về vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên đã rõ ràng và nhất quán. Hồi đầu tuần này, Trung Quốc thúc giục Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục đối thoại để đảm bảo hoà bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-il là nhằm mục đích hoà bình. Hầu hết các chuyến thăm của nhà lãnh đạo này tới Trung Quốc đều là phi chính thức. Trong các chuyến thăm, truyền thông Trung Quốc lẫn Triều Tiên đều không đưa tin cho tới khi ông Kim Jong-il rời Trung Quốc. Tuy nhiên, trái với những gì truyền thông phương Tây đưa tin, chuyến thăm của nhà lãnh đạo này không có gì là "bí ẩn".

Theo yêu cầu của Triều Tiên, lãnh đạo nước này thích thăm Trung Quốc không chính thức. Các chuyến thăm kiểu này đã trở thành thông lệ khi kể từ khi ông Kim Nhật Thành còn là lãnh đạo Triều Tiên và kể từ đó trở đi mọi việc cứ tiếp diễn như thế. Trên thực tế, ông Kim Jong-il đã sang thăm Trung Quốc hơn 40 lần, một số lần chính thức và một số lần không chính thức.

Chuyến thăm nửa kín nửa hở

Các chuyến thăm không chính thức của lãnh đạo Triều Tiên là một cách giao thiệp độc nhất vô nhị giữa quan chức hai nước. Triều Tiên và Trung Quốc là láng giềng, bạn bè truyền thống và các chuyến thăm cấp cao không chỉ tốt cho quan hệ song phương mà còn rất hữu ích để duy trì ổn định ở Đông Bắc Á.

Tuy nhiên, không giống các lần trước, chuyến thăm Trung Quốc mới nhất của ông Kim Jong-il lại "mở một nửa". Khi nhà lãnh đạo này vẫn ở Trung Quốc, nhiều hãng truyền thông nước ngoài đưa tin về ông này đã tìm thấy một số thông tin về chuyến thăm trên các báo Trung Quốc, điều này cho thấy cả Bắc Kinh lẫn Bình Nhưỡng đều trở nên cởi mở hơn về những chuyến thăm như vậy. Các chuyến thăm không chính thức làm cả hai bên trở nên thoải mái hơn do các nghi lễ ngoại giao và thủ tục phức tạp đều được miễn.

Do đó, "bí ẩn" là từ không nên được dùng để mô tả chuyến thăm gần đây của ông Kim Jong-il, Nhật báo Trung Quốc viết. Cả Trung Quốc và Triều Tiên cũng như đảng cầm quyền của hai nước vẫn duy trì cơ chế trao đổi thông tin cấp cao và 3 chuyến thăm Trung Quốc của lãnh đạo Triều Tiên trong vòng 1 năm đã phản ánh tầm quan trọng của cơ chế trên là như thế nào.

Vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị chìm vào tháng trước và vụ đấu súng giữa Triều Tiên với Hàn Quốc quanh vấn đề đảo Yeonpyeong hồi tháng 11 năm ngoái đã làm tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên đang cố phát triển kinh tế, nỗ lực hội nhập kinh tế toàn cầu. Những diễn biến trên là tự nhiên và việc lãnh đạo Triều Tiên trao đổi quan điểm với một quốc gia bạn bè là điều cần thiết. Do đó, không có gì là "bí ẩn" về chuyến thăm của nhà lãnh đạo này.

Vì sao lại bí ẩn


Theo lý giải của Trung Quốc nhật báo, lý do đầu tiên mà truyền thông phương Tây gọi chuyến thăm là "bí ẩn" vì họ không biết rõ liệu Kim Jong-il có đang ở Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, cũng có những lý do khác. Mỗi khi lãnh đạo Triều Tiên và Trung Quốc gặp nhau, các nước phương tây đặc biệt là Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đều hy vọng đưa vấn đề chính trị ra khỏi Bán đảo Triều Tiên. Các nước trên thúc giục Trung Quốc thúc ép Triều Tiên hành động theo yêu cầu của họ và cảm thấy không thoải mái về quan hệ Bình Nhưỡng - Bắc Kinh.

Theo Trung Quốc, mục đích chuyến thăm của ông Kim Jong-il hoàn toàn rõ ràng. Đoàn tuỳ tùng của nhà lãnh đạo này gồm các chuyên gia kinh tế, những người thường tới thăm các vùng phát triển ở Trung Quốc và thu thập một số kinh nghiệm từ sự phát triển kinh tế của nước này.

    * Hoài Linh (Theo ChinaDaily)