- Máu nhuốm đỏ đồn cảnh sát Syria, cựu Tổng giám đốc IMF tuyên bố vô tội, lính Mỹ bị nã rocket…Những sự kiện thế giới nổi bật 24h qua.
TIN LIÊN QUAN:

Thời sự 24h qua

Lính Mỹ bị nã rocket

5 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công rocket tại Iraq. Đây là thương vong tồi tệ nhất trong một sự kiện đơn lẻ đối với quân đội Mỹ tại Iraq trong vòng 2 năm qua.

Vụ tấn công cho thấy tình hình an ninh tại Iraq vẫn còn bất ổn bất chấp tình trạng bạo lực có giảm trong thời gian gần đây. Lính Mỹ chuẩn bị rút khỏi đất nước Trung Đông này sau 8 năm chiếm đóng kể từ khi lật đổ chế độ Saddam Hussein.

NATO muốn được giúp ở Libya

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết sẽ yêu cầu một số đồng minh vẫn đang lưỡng lự tham gia vào chiến dịch quân sự chống lại lãnh đạo Moammar Gadhafi.

Tuy nhiên, ông này không nói cụ thể những nước nào.

Strauss-Kahn phủ nhận cáo buộc



Cựu Tổng giám đốc Dominique Strauss-Khan đã bác bỏ cáo buộc cưỡng hiếp và tấn công tình dục trước tòa án New York.

Ông Strauss-Kahn, 62 tuổi, bị tố cáo tấn công tình dục một nữ phục vụ tại khách sạn Manhattan, nơi ông này nghỉ vào ngày 14/5.

Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào 18/7.

Hải quân Mỹ-Ukraine tập trận lớn


Cuộc tập trận hải quân quy mô lớn nhất giữa Mỹ và Ukraine mang tên Sea Breeze-2011 khai mạc ngày 6/6 tại Odessa, hải phận Ukraine. Đại diện hải quân 17 quốc gia được phía Ukraine mời tham gia tập trận.

Nội dung chính cuộc tập trận năm nay, cũng như năm ngoái, là luyện tập các chiến dịch chống cướp biển theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đồn cảnh sát Syria nhuốm máu

Các tay súng đã tấn công vào đồn cảnh sát Syria hôm 6/6 giết chết ít nhất 120 người.

Kênh truyền hình nhà nước Syria đưa tin: "Nhóm vũ trang ở Jisr al-Shughour đã thảm sát và cắt xẻo nhiều xác”.

Núi lửa Chile phun trào


Một núi lửa tại Chile đã phun trào gây ra tình trạng tro bụi bao phủ khắp Nam Mỹ khiến hàng nghìn người phải dời bỏ nhà cửa. Các chuyến bay tại miền Nam Argentina đều bị hủy và khu trượt tuyết phủ đầy bụi thay vì tuyết.

Phát ngôn nổi bật trong ngày


“Đó là một vụ thảm sát lớn”, 
Abu Hussein, cư dân Jisr al-Shoughour phía Tây Bắc Syria, nơi lực lượng quân sự dùng trực thăng, xe bọc thép trang bị súng máy đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tháng qua, ít nhất 38 người chết trong bị sát hại hôm Chủ nhật.


“Nhưng dù có cố thế nào, chúng không thể đập tan tinh thần của bà, không thể làm bà đau đớn hơn, không thể đánh bại được tình yêu của bà”, Tổng giám mục Emeritus Desmond Tutu, người đoạt giải Nobel Hòa bình, nói về Albertina Sisulu, người đi đầu trong phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc apartheid – người được coi là mẹ của phong trào giải phóng Nam Phi. Bà Sisulu qua đời hôm Chủ nhật, thọ 92 tuổi.

Hình ảnh ấn tượng trong ngày


Ngày nay, có những hai nhóm người bắn giết tê giác ở miền Nam châu Phi. Nhóm thứ nhất là những kẻ săn trộm, chúng bắn chết tê giác, sau đó lấy sừng, lấy mắt. Nhóm thứ hai là những dân phòng thích chơi trò phóng lao có thuốc gây mê, sau đó gắn chip theo dõi vào sừng tê giác.

Ảnh: Dominic Nahr/Time

Câu chuyện ngày này năm xưa


Vào ngày 7/6/1893, vị anh hùng Ấn Độ Gandhi đã có hành động bất tuân dân sự đầu tiên.

Trong một sự kiện tác động lớn lao đến người dân Ấn Độ, Mohandas K. Gandhi  - một luật sư trẻ Ấn Độ làm việc tại Nam Phi, đã chối từ tuân thủ quy định phân biệt chủng tộc trên một chuyến tàu ở Nam Phi và buộc phải xuống tàu ở Pietermaritzburg.

Sinh ra ở Ấn Độ và thụ hưởng nền giáo dục Anh, Gandhi đến Nam Phi vào đầu năm 1893 để hành nghề luật theo một hợp đồng có thời hạn một năm. Sống ở Natal, ông đã bị phân biệt chủng tộc và quy định của Nam Phi giới hạn quyền đối với những lao động Ấn Độ. Gandhi sau này nhớ lại, một lần ông bị đuổi khỏi toa hạng nhất và bị “ném” xuống tàu. Từ đó, ông quyết định chống lại sự bất công và bảo vệ quyền của mình như một người Ấn Độ, một người đàn ông.

Khi hợp đồng hết hạn, ông đã tự quyết định ở lại Nam Phi và phát động chiến dịch chống lại các điều luật tước đi quyền bỏ phiếu người người Ấn Độ. Ông thành lập Đại hội Ấn ở Natal và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế trước tình cảnh của người Ấn ở Nam Phi. Năm 1906, chính quyền Transvaal tìm cách tiếp tục hạn chế các quyền của người Ấn, và Gandhi tổ chức chiến dịch Chấp trì chân lý (satyagraha) đầu tiên, hoặc còn gọi bất tuân dân sự đại chúng – một hình thức đấu tranh phi bạo lực. Sau bảy năm phản đối, ông đã tiến tới một thỏa thuận nhượng bộ từ Chính phủ Nam Phi.

Năm 1914, Gandhi trở về Ấn Độ, sống cuộc sống tiết chế và tâm linh bên lề chính trị Ấn Độ. Ông ủng hộ Anh trong Thế chiến thứ nhất, nhưng năm 1919 đã phát động một satyagraha mới để phản đối chế độ quân dịch bắt buộc đối với người dân Ấn Độ. Hàng trăm ngàn người đã theo tiếng gọi của ông xuống đường biểu tình phản đối, năm 1920 ông là lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ. Luôn luôn bất bạo động, ông đã khẳng định sự thống nhất của tất cả mọi người dưới Thượng đế và giảng các giá trị đạo đức Thiên chúa, đạo Hồi cùng với các giáo lý đạo Hindu. Nhà chức trách Anh bắt giam ông nhiều lần, nhưng sau đó ông luôn được thả.

Sau Thế chiến II, ông là một nhân vật hàng đầu trong các cuộc đàm phán dẫn đến độc lập Ấn Độ vào năm 1947. Mặc dù ca ngợi độc lập của Ấn Độ như "hành động cao quý nhất của nước Anh", ông đau khổ trước sự tách chia đế quốc Mogul xưa thành Ấn Độ và Pakistan. Khi bạo lực đã nổ ra giữa người Hindu và người Hồi giáo ở Ấn Độ vào năm 1947, ông đã ăn chay và thăm các khu vực bất ổn, nỗ lực chặn xung đột tôn giáo trên đất nước mình. Ngày 30 tháng 1 năm 1948, khi ông đang dự một buổi nguyện cầu như vậy tại New Delhi thì bị bắn chết bởi Nathuram Godse, một người Hindu cực đoan phản đối Gandhi khoan dung với người Hồi giáo.

Được mệnh danh Mahatma, hay "Tâm hồn vĩ đại," trong suốt cuộc đời của mình, phương pháp thuyết phục bất bạo động của ông đã có ảnh hưởng lớn tới các nhà lãnh đạo phong trào dân sự trên khắp thế giới, đặc biệt là Martin Luther King, Jr, ở Mỹ.

Hồng Hà (Tổng hợp)