Trong lịch sử gần 240 năm, Mỹ đã trải qua không ít bê bối chính trị chấn động. Có những xì căng đan nhỏ, song cũng có những bê bối đình đám được nhắc đi nhắc lại.
Hãng tin Sputnik liệt kê các bê bối chính trị lớn của Mỹ
1. Bê bối Watergate
Năm 1972, Bob Woodward và Carl Bernstein, hai phóng viên của tờ Washington Post, nhận được điện thoại của một người cung cấp tin từ FBI có bí danh là "Deep Throat".
Sau này, nhân vật trên được nhận diện là phụ tá giám đốc FBI Mark Felt. Đây là người đã phơi bày một trong những bê bối liên quan tới tổng thống khủng khiếp nhất lịch sử Mỹ, và sau cùng dẫn tới việc Tổng thống Richard Nixon từ chức.
Ngày 17/6/1972, năm người đàn ông đã bị bắt sau khi đột nhập vào Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ tại khu phức hợp văn phòng Watergate.
Deep Throat vén màn một bí mật khủng khiếp, mà khi sáng tỏ đã làm lộ ra chuyện 5 người trên được ủy ban tái cử của tổng thống thuê. Sự dính líu của Nixon đã được chứng minh khi tòa án tối cao nắm được đoạn băng ghi âm đáng hổ thẹn của ông.
"...Người dân phải biết liệu tổng thống của họ có phải là kẻ lừa gạt hay không", Nixon nói tại một cuộc họp báo. "Tôi không phải là kẻ lừa gạt. Tôi xứng đáng với tất cả những thứ mà tôi có".
2. Bí mật của Lầu Năm Góc về Việt Nam
Trước cuộc chiến Iraq, Việt Nam là vướng mắc quân sự gây tranh cãi nhiều nhất ở Mỹ. Cuộc chiến này đã gây chia rẽ nước Mỹ và làm bùng phát các cuộc biểu tình khắp quốc gia này.
Các tài liệu của Lầu Năm Góc, tiết lộ vào năm 1971, cho thấy, sự can dự hầu như trái phép của Mỹ vào Việt Nam còn tệ hơn nhiều so với những gì công chúng được biết.
Tài liệu do Daniel Ellsberg khui ra cho thấy, Washington bí mật mở rộng cuộc xung đột, tiến hành các cuộc không kích bằng bom tại các nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Campuchia và chính quyền của Tổng thống Johnson đã "nói dối có hệ thống, không chỉ nói dối công chúng, mà còn nói dối quốc hội", tờ New York Times cho hay.
3. Vụ bút toán Iran
Bùng phát dưới thời chính quyền Reagan, bê bối này liên quan tới những quan chức Mỹ cấp cao bí mật bán vũ khí cho Iran, trong bối cảnh nước này đang chịu cấm vận vũ khí. Kế hoạch bán vũ khí được bịa là để bảo đảm cho các con tin Mỹ tại Iran được trả tự do.
Bê bối này khiến nhiều người bất bình, vì cho rằng Nhà Trắng đã dùng súng ống để đổi lấy người. Tuy nhiên, tiền thu được từ vụ bán vũ khí sau đó lại được chuyển sang cho các nhóm nổi dậy tại Nicaragua.
4. Bê bối tình ái Monica Lewinksy
Đây có lẽ là bê bối tình dục lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Vụ lăng nhăng của Tổng thống Bill Clinton với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky đã phủ bóng lên nhiệm kỳ 2 của nhà lãnh đạo này.
Vụ việc đã khiến cả nước Mỹ phải tranh cãi về định nghĩa chính xác của từ "tình dục". Sau khi Tổng thống Clinton phủ nhận có "quan hệ nhục dục với người phụ nữ đó", đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã khuấy động vụ việc và Bill Clinton bị cáo buộc, song không bị kết tội trong phiên tòa tại Thượng viện về khai man và cản trở công lý.
5. Tranh cãi bầu cử Tổng thống 2000
Trong cuộc bầu cử tổng thống sít sao năm 2000 giữa George W. Bush và Al Gore, mọi chú ý đổ dồn về Florida, nơi phải kiểm lại phiếu.
Các hãng truyền thông ban đầu đưa tin ông Al Gore dành chiến thắng, rồi sau đó lại nói là ông Bush. Tuy nhiên, với quyết định sau đó của tòa án tối cao, George Bush trở thành Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ.
Nhiều người cho rằng, phán quyết của tòa án tối cao là mang tính chất đảng phái và chỉ ra vô số lỗi trong quá trình kiểm phiếu. Gore sau đó rút khỏi cuộc đua dù không hài lòng với quyết định của tòa. Nếu Gore trở thành tổng thống thì có lẽ 3 bê bối sau đây không xảy ra.
6. Bê bối Plame
Trước thềm cuộc chiến Iraq, nhà ngoại giao Mỹ Joseph Wilson viết bài trên New York Times, chỉ trích việc biện minh cho cuộc tấn công này.
Ngay sau đó, nhà báo Robert Novak viết bài, dẫn lời "hai quan chức chính quyền cấp cao". Như để trả đũa, chính quyền Bush đã "xì" ra tên của một điệp viên ẩn danh của CIA. Người bị xì tên là nữ điệp viên Valerie Plame, cũng là vợ của Wilson.
Một cuộc điều tra được tiến hành và chánh văn phòng của Phó tổng thống bị kết tội, dù Tổng thống Bush cuối cùng đã giảm nhẹ hình phạt cho ông này.
7. Bằng chứng giả về vũ khí hủy diệt hàng loạt
Để thuyết phục được các đồng minh phương Tây tấn công Iraq, Mỹ phải khiến họ tin rằng chính quyền Saddam Hussein đang đặt ra một mối đe dọa. Và Washington đã đưa ra các bằng chứng cho thấy, Saddam đang che giấu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tuy nhiên, các vũ khí đó không tồn tại. Một số hãng tin, mạng truyền thông lớn, gồm cả Washington Post và New York Times, đã đăng những bài viết về "bằng chứng" của chính quyền. 12 năm sau khi Mỹ đánh Iraq, vũ khí hủy diệt hàng loạt vẫn chưa được tìm thấy.
8. Abu Ghraib
Cuộc chiến Iraq đã được chứng minh là rất đáng bàn cãi ngay sau khi các tấm ảnh chụp trong nhà tù Abu Ghraib ở Iraq xuất hiện. Các tấm ảnh gây sốc cho thấy quân nhân Mỹ lạm dụng tù nhân. Việc vi phạm của quân nhân gồm tra tấn, cưỡng hiếp hoặc giết hại.
Ban đầu, nó được chính quyền Bush giảm bớt phần nghiêm trọng, song vụ việc là dấu hiệu sớm cho thấy việc lạm dụng nhân quyền được tiến hành dưới danh nghĩa Cuộc chiến chống khủng bố.
9. Những tiết lộ động trời của WikiLeaks
Là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế do Julian Assange thành lập, WikiLeaks đã trở thành cái tên được nhắc tới trên trang đầu của các báo khi nó hỗ trợ những người tiết lộ bí mật công bố những bí mật buộc tội chính phủ.
Năm 2010, WikiLeaks công bố đoạn phim từ cuộc chiến của Mỹ tại Iraq cho thấy, trực thăng Apache bắn hạ dân thường. Đoạn phim này cũng như hàng trăm thông tin mật khác, được cho là do binh nhì Chelsea Manning cung cấp. Manning hiện đang thụ án 35 năm tù trong nhà tù quân sự.
Assange tránh được việc bị kết tội tại Mỹ khi xin tị nạn trong sứ quán Ecuador ở London.
10. Bê bối nghe lén của NSA
Một kẻ lật tẩy bí mật Mỹ khác là Edward Snowden, cựu nhà thầu làm việc với Cơ quan Tình báo quốc gia. Năm 2013, Snowden đã tiết lộ quy mô chương trình do thám của chính phủ liên bang, gồm cả việc thu thập thông tin rộng khắp của cơ quan an ninh nội địa (NSA), một chương trình bị các nhóm tự do dân sự chỉ trích mạnh.
Snowden hiện sống lưu vong ở Nga để tránh bị xét xử tại Mỹ.
- Hoài Linh